Chính phủ: Việt Nam không có dấu hiệu giảm phát
Chỉ số giá tiêu dùng giảm ngay cả trong tháng có Tết Nguyên đán và là tháng giảm thứ tư liên tiếp, nhưng điều này không có nghĩa là nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm phát.
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 2, được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên truyền đạt lại tại buổi họp báo chiều tối 2/3.
Theo người phát ngôn Chính phủ, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua giảm chủ yếu do tác động của việc giá dầu thế giới giảm mạnh, nhất là đối với chỉ số giá nhóm giao thông. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào cũng góp phần bình ổn giá. Các chương trình kích cầu, khuyến mại cuối năm đối với hàng tiêu dùng, điện máy, điện tử được thực hiện rộng rãi tại nhiều địa phương.
Bộ trưởng Nên cho hay, mặc dù CPI giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng.
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm ước tăng 11,4%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 10,7% - cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là 6,2%. Các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng 12%, trong khi cùng kỳ chỉ tăng 5,4%.
“Dù giá dầu giảm nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng, sản xuất công nghiệp vẫn tăng, cho thấy phục hồi kinh tế tương đối đồng đều. Cân đối xuất nhập khẩu, thu ngân sách vẫn đảm bảo. Đó là những tín hiệu đáng mừng”, Bộ trưởng Nên nói.
Trước đó, phát biểu tại phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, CPI giảm liên tiếp không phải là hiện tượng giảm phát của nền kinh tế, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng, dầu, giá gas trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới, tác động làm giảm chỉ số giá các nhóm hàng giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng.
“Giảm phát của nền kinh tế được phản ánh qua hiện tượng cung vượt cầu, dẫn tới suy giảm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tình hình sản xuất trong nước hai tháng đầu năm vẫn phát triển tốt, sức mua thể hiện qua tổng mức bán lẻ tăng cao”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Đáng chú ý, lạm phát cơ bản, tức loại trừ biến động giá của nhóm lương thực, thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý, gồm cả dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, tháng 2/2015 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 0,6% so với tháng 12/2014; bình quân 2 tháng đầu năm tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, CPI giảm trong tháng Tết ngoài yếu tố giá xăng dầu thế giới giảm thì công tác bình ổn giá được các địa phương làm tốt, nguồn cung hàng dồi dào.
“Việc tăng giảm giá xăng dầu quốc tế không phải là vấn đề thường xuyên mà lạm phát trong thời gian dài trước kia của chúng ta là do kiểm soát giá. Trong đó nhiều mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá đã từng bước chuyển sang cơ chế thị trường, một số mặt hàng đã được điều chỉnh phù hợp, điều hòa hơn”, Thống đốc Bình nói.
Chính vì vậy, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, từ xu hướng diễn biến lạm phát cho thấy đã tạo dư địa để điều chỉnh các chỉ tiêu đi kèm để phù hợp, tạo thuận lợi hơn cho nền kinh tế, trong đó có việc tiếp tục nới lỏng phần nào chính sách tín dụng tiền tệ với việc giảm lãi suất trung, dài hạn.
Tuy nhiên, ông Bình lưu ý, không thể chủ quan với diễn biến giá xăng dầu thế giới và lạm phát trong thời gian sắp tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn nhận định, lạm phát cơ bản đang ở trạng thái cân bằng, hợp lý với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam hiện tại. Bên cạnh đó, niềm tin kinh doanh của nhà đầu tư và người tiêu dùng đang đạt mức cao nhất 4 năm qua, cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế cả năm là tích cực.
Nguồn VnEconomy