Thứ Năm | 09/08/2012 08:30

Chính phủ thảo luận dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận về dự án Luật Thủ đô; Luật Việc làm; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...
Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật trong 2 ngày (7-8/8), Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về 8 dự án luật.

Qua tổng kết tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2003 còn nổi lên một số tồn tại, bất cập chủ yếu là công tác quản lý nhà nước về đất đai còn hạn chế; quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; việc sử dụng đất đai nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp…

Vì vậy, việc ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, tạo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai nói chung; đáp ứng được yêu cầu thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai, phù hợp với cơ chế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 15 chương và 190 điều, tăng thêm 7 chương và 44 điều.

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các thành viên Chính phủ đã đóng góp ý kiến tập trung vào những vấn đề hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; cơ chế thu hồi đất; giá đất; thời gian ban hành và mục đích áp dụng bảng giá đất; thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giải quyết tranh chấp đất đai;…

Thảo luận Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh, các thành viên Chính phủ cho rằng văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng-an ninh nếu chỉ dừng lại ở cấp nghị định của Chính phủ, văn bản, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành sẽ gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện vì giáo dục quốc phòng-an ninh quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức; liên quan đến Luật Giáo dục, Luật Quốc phòng, Luật An ninh Quốc gia và các luật khác nên phải ban hành văn bản ở tầm Luật.

Việc xây dựng Luật cần đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện đúng quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Với 4 chương, 33 điều, dự thảo Luật Thủ đô quy định cụ thể về chính sách xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; trách nhiệm xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; điều khoản thi hành…

Ý kiến của một số thành viên Chính phủ đề xuất, dự thảo Luật Thủ đô nên lựa chọn một số vấn đề đặc thù về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô chưa được hoặc đã có quy định trong các đạo luật hiện hành áp dụng chung cho cả nước, nhưng chưa phù hợp với đặc thù của Thủ đô.

Về quản lý dân cư, có ý kiến cho rằng cần áp dụng một số biện pháp hành chính để hạn chế việc đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội để góp phần hạn chế tình trạng quá tải về dân cư ở nội thành. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không quy định thêm điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành, vì có thể ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân.

Đóng góp ý kiến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các thành viên Chính phủ đề xuất dự thảo Luật cần làm rõ hơn vấn đề về trách nhiệm giải trình; về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; quy định việc xử lý tài sản không được giải trình một cách hợp lý; quy định biện pháp tạm đình chỉ hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có dấu hiệu tham nhũng;…

Ngoài ra, Chính phủ cũng thảo luận, góp ý vào 4 dự án luật là dự án Luật Hộ tịch, dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật Việc làm, dự thảo Luật Hoà giải cơ sở.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng nghe Báo cáo tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ quý II, kết quả 6 tháng đầu năm 2012, nhiệm vụ trong quý III và 6 tháng cuối năm 2012 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện