Thứ Tư | 14/11/2012 07:05

Chính phủ sẽ tái cấu trúc một số khoản nợ trái phiếu quốc tế

Giai đoạn 2012 - 2014, chưa xem xét bảo lãnh trái phiếu phát hành quốc tế.
Tại báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ gửi Quốc hội trình bày về những kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề quản lý nợ công được đề cập.

Tại thời điểm 31/12/2011, số dư nợ công bằng 54,9% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,2% GDP. Ước tính đến cuối 2012, số dư nợ công bằng 55,4% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,1% GDP. Trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm khoảng 78%.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nợ công và nợ Chính phủ vẫn ở trong ngưỡng an toàn (trần khống chế trong giai đoạn 2011 - 2020 là dư nợ công không quá 65% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP).

Để quản lý nợ công đảm bảo an toàn và bền vững, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về nợ công, Bộ Tài chính phối hợp với bộ, ngành triển khai các giải pháp:

Thứ nhất, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; trình Thủ tướng ban hành quyết định về đề án thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi nước ngoài.

Thứ hai, thực hiện rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước và thực hiện tái cấu trúc đầu tư công. Bảo đảm mức trần các chỉ tiêu về nợ.

Về công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Để giảm lãi suất vay nợ của Chính phủ cũng như doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã thành lập tổ công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, ký kết các thỏa thuận hợp tác trao đổi với một số đối tác của Vương quốc Anh tư vấn và hỗ trợ Việt Nam về xếp hạng tín nhiệm.

Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện và đã trình Thủ tướng đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, xây dựng các Nghị định về thành lập và hoạt động của tổ chức định mức tín nhiệm. Trong quý IV/2012, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Quyết định về ban hành quy chế thu thập thông tin và đánh giá hệ thống tín nhiệm quốc gia.

Phối hợp với các Bộ, ngành trong tổ chức các đợt làm việc với các tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc tế (S&P, Moody's và Fitch).

Thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn. Huy động nguồn vốn vay phù hợp với tiến độ giải ngân. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ với các tổ chức sử dụng vốn vay. Theo dõi chặt khả năng trả nợ của từng dự án đầu tư, từng doanh nghiệp.

Tổ chức thanh tra các dự án vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh có dấu hiệu khó khăn. Trong nửa đầu năm 2012, thanh tra Bộ Tài chính đã tổ chức thanh tra 17 dự án xi măng vay vốn trong và ngoài nước được Chính phủ bảo lãnh, báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm tra, trong đó có nêu các đề xuất và kiến nghị, đặc biệt là trách nhiệm của Bộ chủ quản, các chủ đầu tư.

Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng về đề án tái cấu trúc một số khoản nợ trái phiếu quốc tế và đã được phê duyệt, kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ, hạn mức bảo lãnh của Chính phủ và vay thương mại nước ngoài của quốc gia năm 2012. Hoàn thiện và trình Thủ tướng quy chế quản lý rủi ro với danh mục nợ công.

Trong giai đoạn 2012 - 2014, trước mắt, chưa xem xét bảo lãnh trái phiếu phát hành quốc tế. Các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh của Chính phủ.

Về nợ chính quyền địa phương: Bộ Tài chính đã yêu cầu thông kê, báo cáo nợ đọng xây dựng cơ bản của 63 tỉnh, thành phố để trình Thủ tướng ban hành những giải pháp khắc phục. Theo báo cáo, nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay khoảng 93 nghìn tỷ đồng.

Nguồn Khampha


Sự kiện