Chính phủ sẽ sát sao với hai dự án bauxite Tây Nguyên
Trước Quốc hội, làm rõ hơn những thông tin này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, hai dự án này được Bộ Chính trị hết sức quan tâm và chỉ đạo ngay từ đầu. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ triển khai với 3 nội dung: Bảo đảm an toàn môi trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế, bảo đảm về công nghệ.
Bộ Công thương được giao nhiệm vụ thẩm tra đánh giá hiệu quả. Trong quá trình đầu tư thì chủ đầu tư phải thường xuyên xem xét đánh giá về điều kiện thị trường cũng như hiệu quả của dự án, nếu phát hiện dự án không hiệu quả thì phải có biện pháp xử lý, thậm chí phải ngừng dự án để đảm bảo cho chủ đầu tư không bị thiệt hại thêm.
Chính vì vậy trong quá trình đánh giá về hiệu quả, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện những đánh giá hết sức cẩn thận. Trên cơ sở đánh giá đó có tính đến điều kiện thị trường.
Cũng theo Phó Thủ tướng, do khủng hoảng kinh tế thế giới nên nhu cầu về sử dụng nhôm và alumin của thế giới có giảm, và đi cùng với đó là giá thế giới giảm, tác động đến hiệu quả của dự án. Tuy vậy, như báo cáo của Bộ Công thương đã nêu phương án hết sức "bảo thủ", tức là tính toán dự án Tân Rai kéo dài 30 năm thì giá là 379 USD/tấn (các công ty tư vấn thế giới dự báo giá bình quân là 450 USD/tấn). Với sự tính toán về mức giá an toàn như vậy thì dự án của Tân Rai vẫn còn hiệu quả, tuy thời gian lỗ lũy kế từ 3 năm kéo dài lên 5 năm và hiệu quả thu hồi vốn cũng bị kéo dài hơn.
Về phương án vận tải đường bộ, Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ và các địa phương lên phương án đảm bảo vận tải cho hai dự án được bảo đảm.
Thời gian qua, các dự án này đang được đầu tư, có hơi chậm vì nguồn chậm, bao gồm cả vốn từ Tập đoàn than, vốn vay ngân hàng và vốn BT.
"Tôi hiểu là các đại biểu chưa yên tâm với hiệu quả của dự án, rằng liệu cách tính như vậy thì có thực sự hiệu quả không? Chúng tôi rất chia sẻ với tâm tư của đại biểu, Chính phủ xin tiếp thu ý kiến này và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, đặc biệt là chủ đầu tư kiểm tra thường xuyên bảo đảm chất lượng sản phẩm, bảo đảm thị trường và bảo đảm hiệu quả của dự án" - Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khẳng định, một dự kéo dài 30 năm thì rất có thể xảy ra rất nhiều điều bất thường. Nếu chủ đầu tư không có phương pháp quản lý tốt, tiết kiệm và hiệu quả thì dự án có thể đổ bể và lỗ bất cứ lúc nào, chưa nói đến thị trường thế giới hiện nay có nhiều biến động lớn.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ: Mới đây, chúng ta đã trao đổi với Bộ trưởng Cao Đức Phát về thị trường nông sản. Từ chỗ cả thế giới được dự đoán là thiếu lương thực, thực phẩm thì bây giờ lại thừa. Nhưng như vậy không có nghĩa là nó sẽ liên tục thừa từ nay về sau mà nó chỉ mang tính thời điểm. Nếu chúng ta không có quy hoạch dài hạn, có các giải pháp ứng phó với nó thì sẽ không có giải pháp phù hợp.
Còn với thị trường alumin như đại biểu nêu, theo Phó Thủ tướng, cũng hết sức đáng quan tâm và nhiều rủi ro, nên phải thường xuyên theo dõi, đánh giá tổ chức quản lý dự án thì mới bảo đảm được hiệu quả.
Tại sao là 30 năm? Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng nói: Vì đây là tuổi thọ kinh tế của dự án mà chúng ta sử dụng theo thông lệ quốc tế. Mỗi dự án công nghiệp có tuổi thọ khác nhau, thí dụ nhiệt điện than tuổi thọ 30 năm, nhưng nhiệt điện khí thì chỉ có 20 năm thôi. Mỗi dự án có một tuổi thọ để đánh giá, với dự alumin chúng ta lấy tuổi thọ là 30 năm, nhưng thực tế thì có thể kéo dài đến 40-50 năm tùy theo khả năng quản lý hiệu quả của chủ đầu tư. "Nếu dự án kéo dài được thì hiệu quả sẽ tốt hơn, nhưng điều đó phụ thuộc vào năng lực quản lý của chủ đầu tư" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Nguồn VOV News