Thứ Tư | 27/03/2013 09:44

Chính phủ sẽ dành 20.000 tỷ đồng thu hút đầu tư PPP

Chính phủ sẽ lập quỹ hỗ trợ chuẩn bị dự án (PDF) đầu tư theo mô hình PPP, năm 2013 sẽ chọn tối thiểu 5-10 dự án.
Thông tin trên được trích dẫn từ dự thảo Nghị quyết về các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được công bố tại Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay (27/3).

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, sau 25 năm từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 2/2013, Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỷ USD.

Tỷ trọng đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào GDP tăng dần qua các năm và đạt khoảng 19% GDP vào năm 2011, đóng góp 14,2 tỷ USD cho thu ngân sách giai đoạn 2001 - 2010, riêng năm 2012 đóng góp khoảng 3,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, khu vực đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, đầu tư nước ngoài thời gian qua hướng vào những ngành thâm dụng lao động, sử dụng tài nguyên, tận dụng chính sách bảo hộ công nghiệp trong khi các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng chưa nhiều.

Đầu tư của các nước phát triển vào Việt Nam còn khiêm tốn nếu so với đầu tư của các nước này vào Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Cho đến nay, mới chỉ có trên 100 trong tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia có mặt tại Việt Nam, thấp hơn nhiều con số 400 tập đoàn ở Trung Quốc.

Hầu hết các dự án FDI vào Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, trung bình cả giai đoạn 1988 - 2011 chỉ ở mức 15,4 triệu USD/dự án; năm 2011 giảm xuống còn 13,47 triệu USD/dự án.

Tỷ lệ dự án FDI giải thể trước thời hạn, dự án xin giãn tiến độ, các dự án chậm triển khai, các dự án có nhà đầu tư bỏ trốn (khoảng 1.000 doanh nghiệp) tương đối cao.

Thu nhập bình quân của người lao động thấp, nhu cầu về nhà ở... chưa đáp ứng dẫn đến từ năm 1995 đến nay, cả nước xảy ra 4.142 cuộc đình công, trong đó 75% của doanh nghiệp FDI, chủ yếu từ các doanh nghiệp của Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Một số doanh nghiệp tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Do vậy, tại hội nghị tổng kết 25 năm, các đại biểu từ các tỉnh, thành phố sẽ xem xét và thảo luận về bản dự thảo Nghị quyết về các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lựa chọn các dự án tiềm năng hấp dẫn, có tính khả thi cao theo lĩnh vực ưu tiên để đưa vào danh mục dự án đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) trình Thủ tướng phê duyệt.

Bộ sẽ nghiên cứu trình Chính phủ phương án bố trí khoảng 20.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tập trung ở trung ương để dành riêng cho việc tham gia vào vốn đối ứng trong các dự án PPP được chọn.

Đồng thời, hoàn thiện thủ tục hình thành quỹ hỗ trợ chuẩn bị dự án (PDF) nhằm hỗ trợ chuẩn bị các dự án PPP. Trong quý II/2013 sẽ trình Thủ tướng văn bản hướng dẫn sử dụng quỹ này.

Mục tiêu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là sẽ chọn được tối thiểu 5-10 dự án đầu tư thực hiện theo mô hình PPP

Bên cạnh đó, trong quý IV/2013, Bộ Tài chính sẽ xây dựng đền án thành lập quỹ cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hình thức PPP; ban hành quy định về quy trình, thủ tục giải ngân và quản lý phần vốn tham gia của Nhà nước đối với các dự án PPP.

Với các dự án BOT, trong quý II/2013 Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ các bất cập trong quá trình đàm phán, trong đó có 8 dự án BOT về điện đang đàm phán và đề xuất hướng xử lý.

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu các giải pháp để giám sát dòng vốn bằng tiền của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm dòng vốn góp bằng tiền, dòng vốn vay trong và ngoài nước.

Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện khung pháp lý về về mua bán và sáp nhập; Có giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua hướng dẫn các ưu đãi về thuế, ưu tiên dự án tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...

Nguồn Khampha


Sự kiện