Chính phủ sẽ bơm thêm vốn nhằm kích thích đầu tư vào nông nghiệp
Với các dự án đầu tư mới trong chăn nuôi tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, mức hỗ trợ được nghị là 2 tỷ đồng/1.000 con lợn thịt; 1 tỷ đồng/200 con trâu bò thịt cao sản; 5 tỷ đồng/500 con bò sữa cao sản; 1,5 tỷ đồng/20.000 gia cầm/trại/năm...
Khoản này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý môi trường, mặt bằng, điện, nước, nhập thiết bị… Các doanh nghiệp chăn nuôi còn có thể nhận được khoản hỗ trợ thêm 2 tỷ đồng/km để xây dựng đường nối từ cơ sở chăn nuôi đến đường giao thông chính; hỗ trợ nhập giống gốc từ nước ngoài 10 triệu đồng/con… Các doanh nghiệp, làng nghề có dự án xử lý môi trường cũng có thể được hỗ trợ 2 tỷ đồng/nhà máy, 4 tỷ đồng/làng nghề…
Đây là một số trong những đề xuất của dự thảo Nghị định về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, thay thế Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Có nghĩa là, ngoài các hỗ trợ hiện hành, các doanh nghiệp đầu tư thuộc nhóm lĩnh vực nhà nước đang khuyến khích sẽ nhận thêm các khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp sau đầu tư.
Theo phân tích của ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mục tiêu được đặt rõ là tạo động lực trực tiếp và có trọng điểm cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các khoản hỗ trợ được thiết kế đủ lớn, tránh dàn trải để đảm bảo sức hấp dẫn.
Lĩnh vực ưu tiên đầu tư cũng đã giảm từ 28 xuống còn 16 ngành nghề so với quy định tại Nghị định 61/2010/NĐ-CP. “Dự thảo đã phân định rõ các mức hỗ trợ theo gói cho các đối tượng và điều kiện cụ thể, để doanh nghiệp, hợp tác xã có thể tính ra ngay khoản được hỗ trợ nếu họ thoả mãn các điều kiện của đầu bài. Tính bình quân, mức hỗ trợ được tính tương đương với khoảng 3 năm lãi suất tín dụng doanh nghiệp phải bỏ ra nếu đi vay để đầu tư”, ông Minh cho biết.
Đây cũng là kiến nghị của ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tìm đột phá trong thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là nguồn vốn nào cho thực hiện các đề xuất này, tránh việc không xác định rõ nguồn cũng như thủ tục phức tạp, hỗ trợ tràn lan khiến chính sach không đi vào đời sống như Nghị định 61/2012/NĐ-CP.
Hiện tại, nguồn vốn đang được đề nghị sẽ gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và sẽ phải được cân đối trong kế hoạch chi tiêu ngân sách hàng năm.
Nguồn Baodautu