Chính phủ sẽ bơm hàng chục nghìn tỷ đồng tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp
Với nhóm giải pháp giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự thảo đề ra mục tiêu giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng.
Cụ thể, triển khai các chính sách thuế, phí, bao gồm gia hạn 6 tháng thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động gia công, kinh doanh nhà ở. Không ban hành chính sách thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, giảm thuế trước bạ với ôtô chở người 10 chỗ... Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013 - 2014 với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cho phép chủ đầu tư các dự án đã được cấp phép nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán nhà.
Các giải pháp này trị giá khoảng 31.000 tỷ đồng, cộng với 3.000 tỷ đồng giảm tiền thuê đất, Chính phủ cho hay.
Chính phủ cũng sẽ có giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với việc cho thuê và mua nhà ở xã hội, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động này để tạo điều kiện cho người dân sở hữu nhà ở và doanh nghiệp giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng, dự án bất động sản…
Về vốn tín dụng, sẽ tiếp tục hạ lãi suất phù hợp với mức giảm lạm phát. Có giải pháp hỗ trợ tín dụng với nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ.
Chính phủ cũng giao cho các tổ chức tín dụng dành lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ viên chức được vay mua, thuê nhà ở xã hội; cho vay doanh nghiệp xây dựng nhà ở, chuyển đổi công năng thành các dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước sẽ dành 20.000 - 40.000 tỷ đồng để tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ các ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay các đối tượng kinh doanh nhà ở xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ cũng xem xét gia hạn thời gian cho vay đầu tư của Nhà nước từ 12 năm lên tối đa 15 năm với các dự án hạ tầng có quy mô lớn.
Về giải quyết nợ xấu, Nghị quyết yêu cầu tích cực đánh giá, phân loại nợ, triển khai các biện pháp xử lý, giao Ngân hàng Nhà nước hoàn thành đề án giải quyết nợ xấu, trình Bộ Chính trị.
Với thị trường bất động sản, Chính phủ sẽ rà soát các dự án nhà ở để xem xét các dự án được tiếp tục, phải dừng hoặc chuyển đổi công năng. Hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản tái cơ cấu lĩnh vực kinh doanh, quản trị, khuyến khích chuyển sang kinh doanh nhà ở xã hội. Nghiên cứu sớm hình thành các định chế tài chính mới như quỹ tiết kiệm nhà ở, cơ quan tái thế chấp nhà ở, tạo kênh tái cấp vốn cho bất động sản.
Nguồn Khampha