Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân
Sáng 4/3 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với các Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể liên quan nghe Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và tiến tới 2020.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo Chính phủ về chương trình BHYT xã hội
Theo thông tin từ cuộc họp, đến ngày 1/1/2015, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm y tế đã cơ bản được ban hành, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện đồng bộ.
Một số địa phương còn thành lập cả Ban chỉ đạo thực hiện Luật Bảo hiểm y tế nhưng đến cuối tháng 2 vừa qua vẫn còn 18 địa phương chưa ban hành kế hoạch hoặc công văn chỉ đạo thực hiện. Kết quả triển khai Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân đến hết năm 2014 cả nước đã đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 71% dân số, vượt mục tiêu đề án đề ra nhưng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. 18/63 địa phương đạt và vượt kế hoạch tỷ lệ bao phủ được giao, cao nhất là tỉnh Sóc Trăng còn tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế thấp nhất là tỉnh Ninh Bình.
Quỹ bảo hiểm y tế đã thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhiều đối tượng như người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KTXH khó khăn… góp phần trực tiếp giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân khi đi khám chữa bệnh.
Một thực tế nổi lên là một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhưng tỷ lệ thấp, nhất là người thuộc diện hộ cận nghèo mới chỉ có khoảng 2,5 triệu người tham gia, chiếm trên 40% tổng số người thuộc diện cận nghèo; tiếp đến là các nhóm người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống dưới trung bình, nhóm người lao động thuộc doanh nghiệp tư nhân và nhóm đối tượng tham gia tự nguyện…
Nhận định việc mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đối với 30% dân số chưa tham gia khó có thể đạt mục tiêu bao phủ toàn dân nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, một số ý kiến đề nghị đưa chỉ tiêu bảo hiểm y tế trở thành chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển KTXH của địa phương; các địa phương hỗ trợ 30% mức đóng còn lại để bao phủ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ cận nghèo; thực hiện bảo hiểm y tế đối với lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên...
Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện bằng được chỉ tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân đã đề ra cả về số lượng và chất lượng
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: bảo hiểm y tế toàn dân là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đặc biệt quan trọng trong chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đây cũng là bước thực hiện bình đẳng, công bằng xã hội trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản của con người.
Thủ tướng biểu dương kết quả triển khai bảo hiểm y tế đến nay không chỉ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra mà còn nâng dần mệnh giá bảo hiểm y tế, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với các dịch vụ y tế chất lượng ngày càng cao, giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân khi đi khám chữa bệnh, quỹ bảo hiểm y tế cũng đảm bảo cân đối và có kết dư. Kết quả đạt được này là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, ngành y tế và bảo hiểm xã hội, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Cùng với tập trung khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện bằng được chỉ tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân đã đề ra cả về số lượng và chất lượng, phấn đấu năm 2015 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 75% dân số và đến năm 2020 ít nhất đạt 80%.
Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “…Quan trọng nhất là phải tiếp tục đề cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể về nhiệm vụ bảo hiểm y tế toàn dân, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng vì gắn với sinh mạng, sức khỏe con người và mục tiêu của chúng ta cuối cùng cũng là con người. Hội Nông dân có thể tuyên truyền vận đồng rồi làm đại lý bán bảo hiểm luôn là rất tốt. Hay Hội Nông dân, Phụ nữ cũng đã làm tổ vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo với các hoạt động rất thiết thực. Gắn với đời sống của người dân không chỉ tuyên truyền chay, tuyên truyền suông. Khuyến khích người dân mua bảo hiểm nhưng không chỉ cho họ mua ở đâu là rất thiếu sót. Đúng là phải tới xã, có đại lý bán và mua bảo hiểm qua các hội, các tổ chức quần chúng, qua bưu điện, và phải làm hết sức cụ thể…”.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xây dựng và chỉ đạo quyết liệt triển khai kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân gắn với kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đôn đốc thường xuyên. Các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng tạo mọi thuận lợi nhất triển khai bảo hiểm y tế toàn dân, nhất là đối với lực lượng vũ trang, học sinh-sinh viên, hộ cận nghèo và đối tượng trung lưu.
Cũng đồng ý với nhiều đề xuất, kiến nghị của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm thực hiện đúng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích nhân rộng cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chính trị chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong cơ chế thị trường; đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tiếp tục triển khai quyết liệt đấu thầu để giảm giá thuốc; tăng cường đầu tư, ứng dụng mạnh công nghệ, thông tin gắn với đưa bác sỹ về cơ sở và khuyến khích sản xuất thuốc trong nước. Trên cơ sở kiến nghị tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý sẽ sớm ban hành Chỉ thị tăng cường sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến trình bảo hiểm y tế toàn dân theo đúng lộ trình đã đề ra./.
Nguồn VOV