Thứ Tư | 14/11/2012 08:24

Chính phủ quy định nhiệm vụ, chức năng của Bộ Công Thương

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Công thương gồm 35 đơn vị, trong đó có 30 đơn vị là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước.
Ngày 12/11, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương có hiệu lực từ ngày 26/12/2012.

Theo Nghị định, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp bao gồm các ngành và lĩnh vực: Cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác.

Ngoài ra, Bộ còn có chức năng quản lý về thương mại gồm: thị trường trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển thị trường ngoài nước, quản lý thị trường, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, dịch vụ thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, quản lý cạnh tranh, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý nhà nước các dịch vụ công.

Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 36/2012 ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể khác.

Theo đó, Bộ Công Thương có nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; tổ chức quản lý, hướng dẫn, kiểm tra đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc ngành công nghiệp và thương mại theo danh mục quy định.

Đồng thời, Bộ phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại địa phương trong phạm vi cả nước; hướng dẫn triển khai sau khi được phê duyệt.

Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, điều tiết lưu thông hàng hóa trong từng thời kỳ, thúc đẩy phát triển thương mại và thị trường trong nước (bao gồm cả thị trường hàng hóa và dịch vụ thương mại có liên quan).

Bộ Công Thương có 35 đơn vị, trong đó có 30 đơn vị là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Ngoài ra, Bộ có 5 đơn vị sự nghiệp gồm: Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp; Viện Nghiên cứu Thương mại; Báo Công Thương; Tạp chí Công Thương; Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương.

Nguồn Khampha/VGP


Sự kiện