Chính phủ: Nguồn vốn để thúc đẩy kinh tế tốt
Theo Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến và có được những kết quả bước đầu, như chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh, lãi suất giảm, dư nợ tín dụng tăng dần trở lại…, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm liên tục từ tháng 3/2012 cho đến nay và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước.
Theo đó, CPI tháng tháng 5 tăng 0,18% so với tháng trước đó và chỉ tăng 2,78% so với cuối năm 2011, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.
Mặc dù đang có những chuyển biến tích cực, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, chỉ số phát triển công nghiệp 5 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ, khu vực doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, sức mua giảm, tồn kho vẫn còn ở mức khá cao.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp, chỉ đạo quyết liệt để xử lý nợ xấu, trước hết là nợ xấu giữa các ngân hàng và có biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ… cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện điều hành lãi suất theo hướng mặt bằng lãi suất hạ dần phù hợp với mức gảm của lạm phát, đồng thời điều hành theo lạm phát mục tiêu (từ 7 - 8%), kiên quyết đưa vốn tín dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên theo Nghị quyết 13…
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, nguồn vốn để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới là rất tốt.
Cụ thể, về chi đầu tư công thì tổng nguồn năm 2012 có 180 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cộng với 45 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ, cộng với một số nguồn vốn tiết kiệm… tổng cộng đầu tư công có 240 nghìn tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến hiện tại mới giải ngân được khoảng 66 nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của Chính phủ, từ giờ đến cuối năm, việc chi tiêu công hoàn toàn nằm trong con số trên và không sợ đẩy lạm phát lên. Và dư địa vốn đầu tư công còn rất lớn. Vấn đề là khi đưa tiền ra phải gắn với đầu tư công, đầu tư đúng chỗ, đúng lúc, không đầu tư tràn nan, nguyên tắc đầu tư vào những chỗ có thể làm xong, gọn, phát huy ngay hiệu quả kinh tế xã hội, đồn thời gắn với việc giúp doanh nghiệp...
Ông Đam cũng cho biết, điều quan trọng bây giờ doanh nghiệp khó khăn và thiếu vốn, nhưng vốn trong ngân hàng thì không thiếu, vì dòng tiền trong ngân hàng là tốt.
Vì thế, nếu bây giờ tập trung bơm tiền ra thì sẽ bơm vào những chỗ để vừa gắn với việc tháo gỡ doanh nghiệp, ngành nghề nào và theo đúng chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp, như doanh nghiệp ở nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp đưa công nghệ mới…, đồng thời đẩy mạnh các công trình vừa giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
"Những thuận lợi trên cho thấy dư địa để thúc đẩy phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy tín dụng còn rất lớn, hơn 2%/tháng, lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn cao, phải tiếp tục giảm, để phù hợp với giảm của lạm phát", ông Đam nói.
Cũng tại buổi họp báo trên, liên quan đến câu hỏi hiện Bộ Công Thương có kế hoạch điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng bộ này cho biết, hiện tại Bộ Công Thương chưa có phương án điều chỉnh giá điện.
Nguồn VnEconomy