Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ mới trước mắt hài hòa được 2 mục tiêu chống dịch COVID-19 và ổn định. Ảnh: TTXVN.

 
Hoàng Hà Thứ Hai | 12/04/2021 07:30

Chính phủ mới, kỳ vọng mới

Một Chính phủ mới đã ra mắt với kỳ vọng sẽ kế thừa và tạo ra nhiều đột phá mới, đưa đất nước tiến lên.

Nhiệm kỳ của Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc đã làm được nhiều việc, đáng kể là nền kinh tế duy trì mức tăng cao, thậm chí trong nhóm có tăng trưởng cao nhất thế giới trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới qua Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện, và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và mới là Hiệp định RCEP hợp tác toàn diện khu vực...

Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ mới trước mắt hài hòa được 2 mục tiêu chống dịch COVID-19 và ổn định, tăng trưởng nền kinh tế; lâu dài hơn sẽ tiếp tục giữ các chính sách kinh tế quan trọng của Việt Nam, gồm mở cửa thêm nữa thị trường với nền kinh tế toàn cầu và cân bằng quan hệ với các đối tác lớn để hướng đến mục tiêu lớn là  đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045.

 

Kỳ vọng này xứng đáng với thực lực của nền kinh tế với hơn 100 triệu dân, với sản lượng quy đổi ngang giá sức mua 1.000 tỉ USD, thị trường chứng khoán giao dịch xấp xỉ 1 tỉ USD/ngày.Tại thời điểm năm 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 343 tỉ USD, đứng trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 ASEAN và thu nhập bình quân đầu người 3.521 USD, đứng thứ 6 ASEAN. Theo số liệu dự báo của Tổng Cục Thống kê, dân số của Việt Nam vào năm 2045 đạt khoảng 107,79 triệu người. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 dự báo đạt 1.778 tỉ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018.

Mục tiêu của chiến lược phát triển Việt Nam đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới trở nên bất định và nhiều rủi ro hơn. Mặc dù có mức tăng trưởng cao nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tụt hậu so với thế giới. GDP trung bình trên đầu người hiện nay ở mức trên 2.500 USD chỉ bằng 1/4 so với mức trung bình của thế giới.

Vẫn còn đó những “thắt nút cổ chai” như hạ tầng cơ sở chưa phát triển đúng mức để thu hút FDI chất lượng, hay môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, công nghệ lạc hậu không đủ tạo ra sức cạnh tranh cần thiết cho xuất khẩu và nền kinh tế. Khả năng tăng trưởng cao trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn khi bảo hộ thương mại có xu hướng tăng mạnh, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng cấp bách hơn; các thách thức chuyển đổi sang mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ lớn hơn.

Vì vậy, không gì khác hơn, Việt Nam cần có sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế, về khoa học công nghệ, bứt phá về sức cạnh tranh và cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế tư nhân.

 

Có thể thấy trọng tâm nhiệm vụ của chính phủ mới là tiếp tục cải cách thể chế, chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế số hóa và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân. Bài phát biểu nhậm chức của tân Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Bởi vì, kinh tế số dự báo sẽ chiếm 20% GDP năm 2025 và 30% GDP năm 2030.

Không chỉ là con số, mà nền kinh tế của thời đại 4.0 này sẽ giúp Việt Nam xây con đường tắt để bắt kịp các nước phát triển; thoát khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, kém bền vững.

Tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, Chính phủ mới cần giải quyết những điểm nghẽn, chồng chéo trong kinh doanh. Cuối năm 2019, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế tư nhân chiếm 42% GDP và đóng góp 30% thu ngân sách, quan trọng hơn nữa là khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Và đến năm 2030, dự báo khu vực kinh tế có những thương hiệu lớn như  Vingroup, Vietjet, Masan... sẽ chiếm 60% GDP trong tỉ trọng nền kinh tế.

Để phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, khối kinh tế này cần nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa với định hướng quan trọng là Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau. Muốn vậy, thị trường trong nước cần được tự do hóa, nâng cao mức độ an toàn và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Chính sách cần tăng thêm vai trò chủ động cho khu vực này, thay vì ưu ái tài nguyên, tài chính cho khu vực nhà nước và các xí nghiệp quốc doanh...