Quý Hòa
Chính phủ không cần vay thêm để bù đắp ngân sách
Tháng 11 là tháng thấp điểm thu ngân sách nên tổng thu giảm xuống 104 nghìn tỷ đồng (tháng 10 đạt 126 nghìn tỷ đồng ). Trong thu ngân sách, thu nội địa là 84 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kì năm ngoái, thu xuất nhập khẩu là 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kì năm ngoái và thu từ dầu thô là 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kì năm ngoái. Tính chung từ đầu năm tổng thu ngân sách đạt 1,07 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kì năm ngoái, trong đó thu nội địa 859 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%, thu xuất nhập khẩu 262 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% và thu dầu thô 42,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5%. Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm sau 11 tháng là 86,9%; thấp hơn so với cùng kỳ 2015 và 2016 (lần lượt đạt 90,5% và 94%).
Theo SSI Research, thu nội địa chậm là nguyên nhân của việc tổng thu đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch dự toán. Trong đó thu thoái vốn tại doanh nghiệp đạt thấp nhất, 13 nghìn tỷ đồng , chỉ bằng 21,7% dự toán. Ngược lại thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia của DNNN là 63 nghìn tỷ đồng, bằng 105% dự toán. Thoái vốn nhà nước trong tháng 11 đã ghi nhận khoản thu 8,7 nghìn tỷ đồng từ bán cổ phần tại Vinamilk.
Chi ngân sách tháng 11 lại tăng tốc do tăng cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư phát triển. Chi thường xuyên tháng 11 là 83,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với tháng trước còn chi đầu tư phát triển là 32,7 nghìn tỷ đồng, tăng tới 29% so với tháng 10 Tính từ đầu năm chi đầu tư phát triển là 224 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 62,9% dự toán; chi thường xuyên là 819 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kì năm ngoái và bằng 91,4% dự toán. Tổng chi ngân sách 11 tháng là 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái Việc kiểm soát chi thường xuyên đã giúp tốc độ tăng tổng chi thấp hơn nhiều so với tổng thu, từ đó làm giảm thâm hụt ngân sách.
Thâm hụt ngân sách tháng 11 là 18,7 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ bằng mức thặng dư của tháng 10. Tổng thâm hụt ngân sách từ đầu năm là 59 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 dự toán thâm hụt cả năm (178 nghìn tỷ đồng). Thâm hụt ngân sách chủ yếu nằm ở ngân sách trung ương trong khi địa phương có thặng dư. Ước tính sơ bộ tỷ lệ thâm hụt/GDP của 11 tháng là khoảng 1,5%, thấp hơn nhiều mục tiêu kiểm soát là 3,5%.
Để bù đắp cho thâm hụt ngân sách, tổng giá trị trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành từ đầu năm là 220 nghìn tỷ với kỳ hạn phát hành bình quân là 12,56 năm và kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP là 6,62 năm (cùng kỳ 2016 là 8,72 năm và 5,61 năm). Chỉ tính lượng TPCP phát hành qua đấu thầu (không tính phát hành cho BHXH) thì lượng đã phát hành trong 11 tháng là 157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch cả năm. Cũng trong 11 tháng, SSI Research ước tính có 86,5 nghìn tỷ đồng TPCP đáo hạn, lượng TPCP phát hành ròng là 71 nghìn tỷ đồng, cao hơn tương đối so với giá trị thâm hụt.
Với tình hình thâm hụt ngân sách ở mức thấp, giải ngân TPCP chậm (11 tháng mới giải ngân 17,7% dự toán), SSI Research luôn giữ quan điểm không cần thiết phải hoàn thành chỉ tiêu phát hành TPCP cho cả năm để giảm áp lực nợ công. Thực tế lượng TPCP phát hành qua đấu thầu cũng đã giảm rõ rệt trong 4 tháng gần đây.