Chính phủ gỡ vướng cho siêu dự án thép Formosa
Theo đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Chính phủ đã đồng ý miễn thuế nhập khẩu với các loại mặt hàng xe Torpedo, máy gõ xỉ, máy tháo gạch chịu lửa, gạch chịu lửa nhập khẩu đáp ứng yêu cầu sử dụng của siêu dự án thép tại Hà Tĩnh, dây cáp điện được nhập khẩu đi kèm hoặc nhập khẩu rời để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc để tạo tài sản cố định của Dự án, các thiết bị đầu máy 100 tấn, các loại tàu lai dắt, dẫn luồng thuộc phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền của Dự án và nhà đầu tư được hưởng mức phí bảo vệ môi trường 60% với hoạt động hút cát, san nền trong phạm vi khu vực 1.293 ha mặt nước được thuê.
Chính phủ còn đồng ý không thu thuế nhà thầu với hàng hóa, trang thiết bị nhập khẩu kèm theo được bảo hành theo các quy định với các trường hợp chỉ cung cấp hàng hóa, trang thiết bị cho FHS.
Các ưu đãi về thuế nhập khẩu liên quan khi Dự án được điều chỉnh lên mức 9,99 tỷ USD để bổ sung thiết bị phục vụ xây dựng nhà máy thép cuộn, công trình hút cát san lấp mặt bằng cũng được Chính phủ cho phép Dự án tiếp tục được hưởng.
Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã xác nhận một số mặt hàng vật liệu chịu lửa trong nước chưa sản xuất được theo đề nghị của FHS. Theo xác nhận này, một số các mã hàng vật liệu chịu lửa phục vụ xây dựng lò luyện coke trong Dự án mà Công ty đặt mua theo hợp đồng với đối tác cấp hàng đến từ Trung Quốc tại thời điểm này trong nước chưa sản xuất được. Đó là các mặt hàng gạch đất sét lỗ hàm lượng nhôm thấp, gạch đất sét KA35, gạch đất sét KA40, gạch hàm lượng nhôm cao, gạch nung, bùn nhiệt đất sét (KC-W), bùn nhiệt đất sét (KC-D).
Dự án đầu tư nước ngoài có quy mô hiện tại xấp xỉ 10 tỷ USD bắt đầu giai đoạn cao điểm xây dựng nhà máy từ tháng 4/2014 và cao điểm nhập khẩu linh phụ kiện, thiết bị từ tháng 5 đến tháng 9/2014. Bởi vậy, chủ đầu tư cũng khá lo lắng trước việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến thuế nhập khẩu thiết bị để kịp tiến độ thi công đặt ra, nên đã có những kiến nghị nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai.
Theo kế hoạch, FHS sẽ nhập khẩu khoảng 922.000 tấn thiết bị, nhưng năng lực bốc dỡ hiện tại của cảng Vũng Áng cho Dự án của FHS bị quá tải. Bình quân mỗi ngày, có 10 chuyến tàu vận chuyển hàng hóa cập cảng chờ bốc dỡ hàng hóa, nên có những chiếc tàu phải chờ đợi từ 2-4 tuần mới được vào bốc dỡ hàng.
Trong quá trình nhập khẩu máy móc, thiết bị, cơ quan hải quan địa phương đã căn cứ vào Danh mục Các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để yêu cầu FHS nộp thuế nhập khẩu mặt hàng gạch chịu lửa, dây cáp điện và một số trang thiết bị khác. Theo tính toán của doanh nghiệp, nếu tính thêm phần thuế phải nộp này, thì chi phí cho Dự án sẽ tăng thêm 1.000 tỷ đồng, tương đương gần 50 triệu USD.
Đại diện FHS cho hay, có một số chủng loại gạch chịu lửa đã được sản xuất tại Việt Nam, nhưng với gạch chịu lửa để xây dựng lò luyện thép thì đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật và có các quy cách thiết kế riêng và được sử dụng đồng bộ trong lò luyện thép. Vì thế, nếu dùng loại khác với thiết kế ban đầu, sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành nhà máy và hậu quả xảy ra sẽ khó lường.
Theo tính toán của đại diện FHS, Dự án cần tới 20 năm mới có thể thu hồi vốn. Vì vậy, ngoài chi phí phát sinh trong việc làm nền móng, thì việc phải nộp thêm thuế nhập khẩu với gạch chịu lửa, dây cáp điện để tạo tài sản cố định sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hồi vốn và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Những tháo gỡ của Chính phủ vừa được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án và đặc biệt là sau các khó khăn mới phát sinh, bởi sự quá khích của một số đối tượng gây rồi hồi đầu tháng 5.
Nguồn Báo Đầu Tư