Chính phủ duyệt đề án phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa
Theo đó, việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài; phát huy tối đa nguồn nhân lực và các nguồn lực trong nước; đồng thời để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trước sức ép hội nhập…
Trên cơ sở đó, mục tiêu đến năm 2020, việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đặt ra là: đẩy nhanh phát triển số lượng và nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thể cung ứng được khoảng 50% nhu cầu nội địa hoá ở các lĩnh vực khác nhau của các ngành công nghiệp chế tạo; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp.
Theo đó, tập trung xây dựng chính sách cho các khu vực tập trung của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công nghiệp hỗ trợ. Ban hành khung chính sách với quy định về tiêu chuẩn và ưu đãi cho các khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên sâu;
Đồng thời, thể chế hoá các ngành công nghiệp hỗ trợ bằng cách đưa toàn bộ các lĩnh vực hoạt động về công nghiệp hỗ trợ vào phân ngành kinh tế kỹ thuật theo các cấp, ngành đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế, phân loại thống kê của Tổng cục thống kê;
Xây dựng hệ thống chất lượng liên quan đến linh phụ kiện: Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng của Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở xem xét đến các tiêu chuẩn quy định quốc tế cũng như các tiêu chuẩn sẵn có của các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt trên thị trường Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…
Nguồn Bộ Công thương