Hoàng Hạnh Thứ Hai | 02/04/2018 08:30

Chính phủ điện tử và cải cách lương công chức

Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chính thức vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến.

Có thể, sẽ cần cả chục năm nữa để Việt Nam có thể vận hành một đồn cảnh sát tự động như ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE). Thế nhưng, các quyết sách về tinh giản bộ máy công quyền cũng như cải cách tiền lương trong khu vực này không thể không tính đến cuộc cách mạng 4.0.

Hai mũi tên cho một mục tiêu

Khánh thành vào tháng 9.2017 tại Dubai, đồn cảnh sát chỉ giống như một máy bán cà phê tự động hay một cây ATM cung cấp các dịch vụ như trình báo tội phạm, nộp phí phạt giao thông, thông báo mất tài sản hoặc để lại vật thất lạc được tìm thấy. Quá trình tương tác với cảnh sát được thực hiện qua màn hình máy tính. Đương nhiên, với loại hình đồn cảnh sát 4.0 này, tính chủ động của người dân được tận dụng tối đa, vì thế, nhân lực của ngành cảnh sát sẽ được giảm xuống mức tối thiểu. Dân giàu lại càng giàu thêm.

Dù đang hân hoan với làn sóng cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam vẫn chưa thể mơ tới một mô hình tự động hóa như đồn cảnh sát ở Dubai. Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chính thức vận hành cổng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường kết nối dịch vụ công trực tuyến với cơ chế một cửa quốc gia; nhiều dịch vụ công được thực hiện trực tuyến từ khâu điền, gửi mẫu đơn đến việc trả lệ phí và nhận kết quả... Đương nhiên, vẫn còn nhiều nhiệm vụ chưa được hoàn thành, trong đó phải kể đến vấn đề cấp phép qua mạng, mới chỉ bước đầu được triển khai. Dù vậy, phải ghi nhận đây là những nỗ lực vượt bậc.

Thế nhưng, chính kết quả này lại chỉ ra một thực tế tréo ngoe. Đồng hành cùng chặng đường xây dựng chính phủ điện tử, nỗ lực tinh giản biên chế lại chỉ đạt được một kết quả vô cùng khiêm tốn. Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho thấy, trong 2 năm 2015-2016, tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế, đạt 0,83%, thấp hơn cả mức tinh giản tự nhiên ước tính 1-1,5%/năm. Đã lặp lại chuyện rất cũ, vẫn tồn tại hòn đá tảng cản trở nỗ lực tinh giản biên chế. Một thực trạng khác buộc phải nhìn nhận, số lượng nhân sự trong bộ máy công quyền không giảm cùng với thành tựu của chính phủ điện tử. Vì sao lại tồn tại 2 hiện tượng này?

Đặt trong bối cảnh những nỗ lực cải cách tiền lương đang được thực hiện theo hướng trả lương theo vị trí công việc, rút ngắn khoảng cách giữa thu nhập của các nhân sự trong bộ máy công quyền với khối tư nhân theo tinh thần “Cải cách chính sách tiền lương” đang được bàn thảo, tìm lời đáp cho câu hỏi nêu trên là một việc không nên bỏ qua.

Thứ nhất, để trả lương theo vị trí công việc, việc đầu tiên cần làm là phải xác định được số lượng công chức, viên chức cần có trong một đơn vị, tổ chức, đồng thời với đó là chức năng, nhiệm vụ tương ứng với từng vị trí nhân sự. Việc này đương nhiên phải được thực hiện trên cơ sở xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, khi công nghệ, kỹ thuật được áp dụng để giảm thiểu các thủ tục hành chính, cũng đồng nghĩa, giảm thiểu các vị trí nhân sự cần thiết. Sự chưa đồng hành giữa thành tựu chính phủ điện tử và tinh giản biên chế được đề cập ở trên có thể chỉ là sự chập chững ban đầu, khi tất cả các khâu trong bộ máy vẫn phải vận hành để từng bước giúp người dân tương thích với cách thức quản lý mới của bộ máy hành chính. Trong tương lai xa, điều này chắc chắn sẽ thay đổi, đồng bộ.

Thứ 2, việc rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa khối hành chính và khối tư nhân chỉ có thể thực hiện bằng cách nâng cao năng suất lao động trong khu vực công. Hai mũi tên phải đồng thời bắn trúng hồng tâm là giảm biên chế và xây dựng một nền hàh chính công thân thiện, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Điều này có nghĩa, tinh giản phải được thực hiện một cách khoa học, hợp lý, đúng người, đúng việc. Đặc biệt, sau tinh giản, phải có sự tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ mới, để Việt Nam thật sự có được một nền hành chính chuyên nghiệp.

Những việc cần làm đầu tiên

Theo kế hoạch, sau khi Đề án Cải cách tiền lương được thông qua, từ năm 2021, Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện cải cách này. Lý tưởng “trả lương công chức theo năng lực” để người lao động có trình độ cao hơn thì lương cao hơn, khắc phục bất hợp lý trong chi trả lương theo bằng cấp. Bỏ can thiệp của Nhà nước vào thang, bảng lương doanh nghiệp, tiến tới liên thông giữa tiền lương khu vực công và tư.

Chinh phu dien tu va cai cach luong cong chuc

Cần phải nhắc ở đây rằng, trong năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn ghi nhận, chi phí không chính thức phát sinh ở mọi công đoạn kinh doanh và có xu hướng giảm không đáng kể trong nhiều năm liền. Số liệu nghiên cứu từ năm 2009-2011 ghi nhận, doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận cần phải trả 0,7-1 đồng tiền chi phí dạng này. Không thể tiếp tục dung dưỡng tâm lý chạy vào Nhà nước để thu hồi vốn, vừa nuôi dưỡng tham nhũng, vừa cản trở sự tồn tại vốn đang rất khó khăn của doanh nghiệp.

Cũng quan trọng không kém, các nhà quản lý buộc phải nhìn thẳng vào sự cồng kềnh của bộ máy hành chính rất đặc thù hiện nay. Nghĩa là, cần phải có một cuộc tổng điều tra công chức, làm cơ sở tham chiếu cho việc định hình bộ máy công quyền trong tương lai. 11 triệu người đang hưởng lương hoặc các khoản thu nhập tương đương lương là một gánh nặng đối với cả những nền kinh tế phát triển, chứ không chỉ với đất nước đang có mức nợ công chạm trần như Việt Nam. Giảm biên chế là việc chẳng thể đặng đừng và câu hỏi làm thế nào chỉ có thể nảy sinh khi chúng ta nhìn thẳng vào sự thật.

Câu hỏi cuối cùng đương nhiên là làm thế nào? Giải pháp khả thi nhất theo đề xuất của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tri, Viện Phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học Quản lý, khi trao đổi với NCĐT là quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Theo vị chuyên gia này, lãnh đạo đơn vị phải nắm được số nhân sự hiện có, hiệu quả của từng vị trí và khối lượng công việc chung của đơn vị công tác, từ đó, đề xuất số nhân sự hiệu quả nhất cho mô hình tổ chức mới. Tiếp đó, người đứng đầu phải tham gia vào quá trình tuyển chọn nhân sự mới, đào tạo bồi dưỡng nhiệm vụ cho họ và đánh giá mức độ hoàn thành công việc của họ trong tương lai. Tuy nhiên, nói như ông Tri, rất khó để tìm được người đứng đầu đủ tâm và tầm nhận những trách nhiệm nêu trên.

Trong viễn cảnh lạc quan nhất, sau khi cuộc thanh lọc biên chế diễn ra như dự định, việc giải quyết công ăn việc làm cho những công chức, viên chức dôi dư cũng sẽ không dễ dàng. Nhưng cuộc cải cách nào cũng phải có đau đớn ít hay nhiều.