Ảnh: TL

 
Trực Thanh Thứ Năm | 24/10/2019 10:00

Chính phủ điện tử: Cột trụ của kinh tế số

Mục tiêu hết năm 2019 có 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ khó đạt nếu chính phủ điện tử không xây dựng thành công.

Văn phòng Chính phủ đã đưa hệ thống e-Cabinet vào hoạt động nhằm giảm thời gian các phiên họp Chính phủ. Với hệ thống này, Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước; phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu 100% các nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng, trừ nội dung bí mật Nhà nước.

Cùng với hệ thống e-Cabinet, nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử 2 năm qua của Việt Nam đã có những bước tiến khi tháo gỡ được nhiều rào cản: khó khăn trong đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin; tình trạng các hệ thống công nghệ thông tin “không nói chuyện với nhau”... Qua đó, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ký số văn bản điện tử và ban hành trực tiếp. Sau đó, nhiều văn bản điện tử khác cũng đã được ký, nhiều văn bản được phát hành ra chỉ trong khoảng nửa ngày, trong khi trước đó có những văn bản phải mất cả tuần người dân, doanh nghiệp mới được tiếp cận, biết đến.

 

Trục liên thông văn bản quốc gia trong tương lai sẽ phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tích hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với Trung ương trong việc cung cấp một số dịch vụ công về hộ tịch, đăng ký kinh doanh... Sắp tới, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống báo cáo quốc gia cũng sẽ được tích hợp. Tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính làm căn cứ để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính, đưa vào sử dụng chính thức trong năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11.2019.

Để đảm bảo các hệ thống công nghệ thông tin có thể nói chuyện với nhau, một Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước sẽ sớm ra đời.

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo báo cáo của Liên hiệp Quốc năm 2018 đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN. Theo khảo sát này, 3 dịch vụ trực tuyến được sử dụng phổ biến nhất trong năm 2018 là thanh toán, nộp thuế thu nhập và đăng ký doanh nghiệp mới. Tính khả dụng của dịch vụ tổng thể thông qua email, cập nhật nguồn cấp dữ liệu, ứng dụng di động và SMS đã tăng gấp đôi trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.

Nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỉ USD năm 2015, tăng lên 9 tỉ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỉ USD vào năm 2025. Theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Úc), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỉ USD trong 20 năm nếu chuyển đổi số thành công. Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động như smartphone.

 

Có thể thấy, thời và thế của nền kinh tế số của Việt Nam đều đang nắm trong tay. Tuy nhiên, nền kinh tế số của Việt Nam còn nhiều rào cản trước khi cất cánh như dự báo. Đặc biệt, Việt Nam chưa có các hệ thống nền tảng dùng chung gồm Nền tảng hạ tầng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Hệ thống xác thực tập trung, Cổng dịch vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu quốc gia như cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai chưa hoàn thành. Hiện mỗi bộ có hệ thống thông tin khác nhau, không liên thông với các bộ ngành mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan.

 

Để giải quyết vấn đề trên, những người xây dựng chính sách cho nền kinh tế số của Việt Nam đưa ra khái niệm Open Data (dữ liệu mở), giúp doanh nghiệp có thêm thông tin hoạt động, sản xuất. Chia sẻ, kết nối dữ liệu là tạo cơ chế, thu thập cơ sở dữ liệu minh bạch, rõ ràng và phù hợp thông lệ quốc tế, người dân doanh nghiệp có thể được sử dụng miễn phí. Dữ liệu mở sẽ là phương tiện giúp doanh nghiệp hiểu môi trường kinh doanh, việc khai thác văn bản pháp luật trên cơ sở dữ liệu mở, những cổng thông tin giúp doanh nghiệp biết những phạm vi hoạt động. Đồng thời, những dữ liệu này cũng giúp doanh nghiệp hiểu thị trường và tham gia vào thị trường hiệu quả hơn. 

Cũng cần nhắc lại, trước đây, đề án “Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước” gọi tắt là Đề án 112, dự tính là quá trình tiếp theo để tích hợp các cơ sở dữ liệu như dữ liệu công dân; dữ liệu đầu tư, tài chính và kinh doanh; dữ liệu địa chính; và dữ liệu tư pháp. Tuy nhiên, sự thất bại của Đề án 112 đã dẫn đến 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cũng bị chìm vào quên lãng.

Nhưng đến lúc này, xây dựng chính phủ điện tử thành công là điều kiện tiên quyết để bảo đảm rằng Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay.

►Chính phủ điện tử đứng đầu thế giới

Chính phủ điện tử: Kỳ vọng giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp

Việt Nam sẽ có khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0