Chính phủ chưa đánh giá đủ về lạm phát
Chính phủ lý giải, chỉ số lạm phát ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước có nguyên nhân sâu xa là cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa hợp lý, chậm được điều chỉnh và hiệu quả nền kinh tế thấp, trong đó cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công lớn, nhưng dàn trải, hiệu quả thấp.
Nguyên nhân trực tiếp chủ yếu là do nhiều năm qua nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng tín dụng bình quân 33%/năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 30,2%/năm. Về chính sách tài khóa, ngoài việc duy trì bội chi ngân sách nhà nước ở mức 5% GDP trong nhiều năm (riêng năm 2009 lên đến 6,9% để chống suy giảm, phục hồi tăng trưởng), còn phát hành trái phiếu Chính phủ với số vốn lớn.
Cùng với việc phải điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu theo thị trường, Việt Nam phải nhập siêu nên đã "nhập khẩu” lạm phát khi giá thế giới tăng cao, ngoài ra yếu tố tâm lý cũng tác động lớn đến lạm phát.
Tuy nhiên, ở báo cáo thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế đã dẫn một số ý kiến cho rằng, lạm phát rất cao, tác động lớn đến sản xuất và đời sống, nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá đủ liều lượng, chưa phân tích sâu sát tình hình.
Chính phủ nêu nguyên nhân là do cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng chưa hợp lý, do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ trong nhiều năm, nhưng trong vài năm qua, vẫn với các nguyên nhân này mà lạm phát không ổn định, có năm rất cao, có năm lại thấp, cơ quan thẩm tra nêu ý kiến phản biện.
Vẫn liên quan đến hạn chế yếu kém của năm 2011, bên cạnh lạm phát, cơ quan thẩm tra còn chỉ ra: lãi suất tín dụng tuy có giảm nhưng còn ở mức cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng lên; thanh khoản ở một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn; áp lực với tỷ giá còn lớn; thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giảm sút nghiêm trọng…
Chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư tuy có giảm so với giai đoạn 2007 - 2009 nhưng vẫn ở mức cao (32,36% so với GDP), là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài và làm giảm khả năng và tính chủ động trong điều hành nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Nêu thực tế 53.792 doanh nghiệp phải phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 24,7% so với năm 2010, ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, Chính phủ cần có đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn các hỗ trợ của Nhà nước về thuế, tài chính đã được thực hiện trong năm 2011 về mức độ, liều lượng, thời điểm áp dụng, vì mặc dù đã có chính sách, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.
Phần thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các báo cáo của Chính phủ sẽ được tiến hành cuối buổi sáng và cả buổi chiều hôm nay.
Nguồn Vneconomy