Chính phủ báo cáo việc thực hiện điều hành giá điện, than và xăng dầu
Trong vấn đề điều hành cơ chế giá, Chính phủ báo cáo việc điều hành với giá điện, than và xăng dầu.
Giá điện hiện được điều chỉnh từng bước gắn với cơ chế thị trường, gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Hiện đã có báo cáo kiểm toán giá điện năm 2011 và tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang rà soát lại chính sách giá thành, thanh tra Chính phủ cũng tiến hành thanh tra việc sản xuất kinh doanh điện.
Giá than bán cho điện được điều chỉnh phù hợp với lộ trình giá điện. Giá xăng được điều chỉnh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Cụ thể, trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp điều chỉnh giá bán trong phạm vi, trình tự, định mức quy định, liên bộ Tài chính - công thương giám sát, hậu kiểm các vi phạm, Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng công cụ thuế, quỹ bình ổn để ổn định giá. Tuy nhiên, một số quy định về yếu tố cấu thành giá xăng dầu hiện đã lạc hậu, do đó Chính phủ đang đánh giá lại từ đó sửa đổi bổ sung quy định này trong tháng 12/2012.
Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập đến quản lý độc quyền, cạnh tranh trong lĩnh vực điện, xăng dầu và than. Trong lĩnh vực phát điện, hiện có sự tham gia của nhiều đơn vị, nhưng trong lĩnh vực phân phối, hiện Nhà nước vẫn nắm độc quyền khi mà các đơn vị thuộc EVN bán lẻ cho hơn 80% hộ sử dụng.
Từ ngày 1/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức hoạt động, năm 2015 sẽ thực hiện thị trường bán buôn cạnh tranh và đến năm 2022 thực hiện bán lẻ cạnh tranh.
Về xăng dầu, hiện cả nước có 13 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu nhưng thị phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolomex) vẫn chiếm cao nhất.
Với than, việc quản lý chủ yếu giao cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), giá than bán cho điện hiện đã thực hiện theo cơ chế thị trường.
Việc thoái vốn khỏi các các đơn vị kinh doanh điện, xăng dầu, than cũng đang được thực hiện theo lộ trình, phấn đấu hoàn thành trước 2015.
Về lộ trình giảm bội chi ngân sách, Quốc hội đã phê duyệt đến năm 2015 sẽ giảm bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP. Năm 2011 dự toán điều hành bội chi ngân sách là 5,3% GDP nhưng điều chỉnh chỉ ở 4,9% GDP, năm 2012 dự toán điều hành và thực hiện đều ở 4,8% GDP, năm 2013 dự tính điều hành bội chi ở 4,7% GDP nhưng do cân đối ngân sách khó khăn nên Chính phủ trình Quốc hội vẫn giữ ở 4,8% GDP. Các năm tiếp theo, Chính phủ sẽ điều hành giảm dần tỷ lệ bội chi để đạt chỉ tiêu đề ra.
Về nợ công, theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2015 phấn đấu khống chế nợ công không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 50% GDP. Đến cuối năm 2011, nợ công là 54,9% GDP, nợ chính phủ là 43,2% GDP, ước cuối 2012 các tỷ lệ này lần lượt là 55,4% và 43,1%, trong ngưỡng an toàn của nợ công. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nợ công, việc huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ.
Đối với tình hình sản xuất kinh doanh, Chính phủ đánh giá, từ quý II/2012, sức mua thị trường hồi phục, chỉ số tồn kho giảm dần, xuất khẩu đạt khá. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất kinh doanh còn khó khăn, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, thị trường nội địa phát triển chậm, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu còn hạn chế.
Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, thực hiện chính sách xúc tiến thương mại, xem xét hỗ trợ tín dụng cho xuất khẩu, điều chỉnh linh hoạt chính sách thuế và thủ tục xuất nhập khẩu.
Nguồn Khampha