Chiều nay tòa tuyên, Dương Chí Dũng có thoát án tử?
Những yếu tố bất ngờ
Phiên tòa phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm được mở theo đơn kháng án của 9 bị cáo. Cùng bị tuyên án tử hình vì tội 'Cố ý làm trái' và 'Tham ô', ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã kháng cáo kêu oan.
Bị cáo Trần Hải Sơn, sau khi nhận án 22 năm tù đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường. Các bị cáo khác kháng cáo kêu oan, xin giảm hình phạt, xin được miễn và xem xét giảm bồi thường thiệt hại.
Chỉ duy bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines chấp nhận án phạt 4 năm tù giam mà cấp sơ thẩm tuyên.
Tại phiên phúc thẩm, ở tội Cố ý làm trái, cả ông Dũng và ông Phúc đều thừa nhận trách nhiệm của mình. Riêng đối với tội Tham ô, hai bị cáo này nhất mực không nhận tội.
Được nói lời sau cùng, ông Dũng trình bày: “Bị cáo trông chờ vào đức độ của HĐXX, không để xảy ra chuyện 'quýt làm cam chịu'... Nếu bị cáo có tội thì chết cũng đáng, nhưng bị cáo oan”.
Trong khi đó, bị thẩm vấn về những lần đưa tiền cho cấp trên, ông Trần Hải Sơn luôn trả lời: “Không nhớ”.
Trong phần luận tội, VKS cho rằng: Đủ cơ sở xác định, Dương Chí Dũng và đồng phạm đã Cố ý làm trái trong việc mua ụ nổi, gây thiệt hại 367 tỷ đồng. Trong đó, 4 bị cáo Dũng, Phúc, Sơn, Chiều đã tham ô 1,666 triệu USD.
Theo VKS, dù không bàn bạc với nhau nhưng ông Dũng và Phúc đã tiếp nhận ý chí của nhau trong việc làm trái. VKS cho rằng bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kháng cáo kêu oan của các bị cáo không được chấp nhận.
Cũng theo VKS, phải có sự thỏa thuận của ông Dũng và Phúc với ông Goh mới có số tiền 1,666 triệu USD. Ông Sơn không thể nhận và chiếm hưởng một mình số tiền này.
Tranh luận với VKS, luật sư của ông Dũng và ông Phúc cho rằng: Cần xem xét lại lời khai của ông Sơn, bởi lời khai của bị cáo này một chiều, phiến diện, đầy mâu thuẫn.
Ông Trần Thái Sơn, đại diện Bộ Tài chính, giám định viên trong yêu cầu giám định vụ án này cho rằng, các bị cáo nguyên là cán bộ hải quan đã không làm sai. Theo ông Sơn, không thể coi ụ nổi là tàu biển.
Tuy nhiên, VKS vẫn giữ nguyên cáo buộc đối với nhóm bị cáo nguyên cán bộ hải quan, chỉ đề nghị giảm một phần hình phạt và khoản bồi thường cho các bị cáo này.
Các luật sư của nhóm bị cáo hải quan giữ quan điểm cho rằng, nếu coi ụ nổi không phải là tàu biển thì thân chủ của họ không có tội.
Hai bà vợ đau khổ
Luôn đến rất sớm nhất và về sau cùng là hai bà vợ của ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Hai người vợ này cùng có đơn kháng cáo đề nghị hủy kê biên những căn nhà mà cơ quan điều tra đã kê biên trước đó.
Bà Phạm Thị Mai Phương, vợ bị cáo Dũng cho rằng: Hai căn hộ mua đứng tên nhân tình của ông Dũng là tiền của bà cầm của người khác rồi đưa cho chồng. Còn căn nhà bà đang ở chưa được sang tên cho vợ chồng bà.
Bà Ngô Thị Vân, vợ bị cáo Phúc thì khẳng định: Căn nhà bị kê biên của vợ chồng bà là do đổi tủ lạnh, nuôi lợn nuôi gà, mua từ năm 1983. Đó là nhà duy nhất có sổ đỏ để thờ cúng tổ tiên. Còn nhà ở Tây Hồ là trong diện di rời.
“Nếu tài sản đó là của cả vợ của chồng thì phải đảm bảo cho tôi 1/2 trị giá căn nhà đó”, lời bà Vân.
Về việc này, VKS cho rằng, khi ông Dũng phạm tội, bị kê biên 3 căn nhà để đảm bảo thi hành án là đúng quy định. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chưa đề cập đến quyền lợi của người liên quan.
Xét kháng cáo về căn nhà mà ông Phúc bị kê kiên, án sơ thẩm kê biên là có cơ sở. Vì vậy kháng cáo của bà Vân không có cơ sở chấp nhận.
Phiên tòa phúc thẩm diễn biến căng thẳng, đầy yếu tố bất ngờ. VKS cũng đã đề nghị y án tử hình đối với ông Dũng và ông Phúc. Dù vậy, suốt những ngày diễn ra phiên tòa, trên gương mặt Dương Chí Dũng không thiếu vắng nụ cười.
Liệu số phận có mỉm cười với ông ta? Mời độc giả theo dõi VietNamNet tường thuật trực tiếp tuyên án Dương Chí Dũng và đồng phạm vào 14h chiều nay (7/5).
Nguồn Vietnamnet