Chiết khấu quá cao, nhiều doanh nghiệp bỏ siêu thị
→"1 triệu doanh nghiệp" vì sao khó thành?
Chiết khấu quá cao
"Đưa hàng vào siêu thị không khó, cái khó là không thể trụ lại lâu dài với mức chiết khấu cho siêu thị đến gần 30% giá trị hàng bán ra". Đó là ý kiến của một chủ cơ sở chuyên sản xuất xúc xích, nem giò chả tại TP.HCM sau khi đã đưa hàng vào bán tại chuỗi siêu thị gần 1 năm trước. Theo tính toán của vị này, một cây chả lụa phải gánh tới 32% thuế, phí, chiết khấu khi vào siêu thị.
Chủ cơ sở này cũng cho biết, hệ thống bán lẻ hiện đại có thể tốt cho các doanh nghiệp lớn, trường vốn lớn, cho nhóm hàng thực phẩm bắt buộc phải có chất bảo quản lâu, còn hàng không dùng chất bảo quản, cơ sở nhỏ rất khó tồn tại. Nhiều cơ sở không "gánh" nổi mức chiết khấu cao ngất trong khi lượng hàng bán ra nhỏ giọt.
Bài báo cho biết, rút hàng khỏi siêu thị, quay lại bán hàng nhỏ lẻ qua kênh truyền thống hoặc may mắn hơn, có những cơ sở lại được nhà bán lẻ thuê gia công cho hàng nhãn hàng riêng là con đường sống của nhiều cơ sở sản xuất.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp nhỏ tố nhà phân phối trích mức chiết khấu quá cao. Cách đây 2 năm, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã từng có công văn phản đối một siêu thị do chuỗi siêu thị này đột ngột tăng chiết khấu lên mức 17 - 25% với hàng nông, thủy sản Việt Nam.
Theo đại diện VASEP, mức chiết khấu khoảng 10% đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và yêu cầu nhà bán lẻ đưa mức chiết khấu xuống dưới 15% với nhà cung cấp.
Tuy nhiên, sau 2 năm những phản ánh của nhà cung cấp về nhà phân phối đã không có gì khác: Chiết khấu nay còn cao hơn, lên đến 30%.
Chiết khấu cao khi hàng vào siêu thị là con dao 2 lưỡi. Tỷ lệ chiết khấu từ 10 - 30% đều được thống nhất theo kiểu thuận mua vừa bán. Một doanh nghiệp chia sẻ, việc đưa sản phẩm vào siêu thị là một cách để quảng bá sản phẩm. Nhưng doanh nghiệp nhỏ, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm không dễ gì để tìm kiếm lợi nhuận qua việc tiêu thụ ở kênh siêu thị. Các doanh nghiệp nên xác định ngay từ đầu và có thể lượng sức để quyết định có tham gia sân chơi này hay không, bởi tại thời điểm này, ngoài siêu thị còn có nhiều kênh để tiêu thụ, chẳng hạn như online, hoặc các cửa hàng tiện lợi.
Có thể thấy, các siêu thị ít nhiều cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh từ cửa hàng tiện lợi. Nếu không có sự linh hoạt, mềm dẻo trong mối quan hệ với doanh nghiệp, siêu thị có thể mất đi sự độc đáo, dồi dào trong nguồn hàng, việc mất khách cũng sẽ hiển hiện.
Trở lại làm thuê cho nhà phân phối
Tại một hội thảo về hàng Việt mới đây được tổ chức tại TP.HCM, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cũng khẳng định nhiều doanh nghiệp không dám bán hàng vào siêu thị vì mức chiết khấu các siêu thị đòi hỏi quá cao, khiến họ không có lợi nhuận để kể cả tái đầu tư.
Bà Lý Kim Chi nói: “Nhiều doanh nghiệp không dám nói ra vì sợ bị làm khó dễ. Siêu thị hay chê doanh nghiệp không chịu đổi mới về chất lượng, mẫu mã bao bì nên không được nhà bán lẻ chọn. Tuy nhiên, tôi khẳng định, nhận thức của doanh nghiệp về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm rất chuẩn, sản phẩm hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn các nhà bán lẻ yêu cầu. Vấn đề chúng tôi muốn nói là mức chiết khấu hoa hồng quá cao của siêu thị đang gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp”.
Mức chiết khấu bà Chi thống kê từ những phản hồi của doanh nghiệp làm trong ngành lương thực thực phẩm chia sẻ với bà là từ 15-25%, có lúc lên 30% thậm chí hơn mức đó.
Rút hàng khỏi siêu thị, quay lại bán hàng nhỏ lẻ qua kênh truyền thống hoặc “may mắn” hơn, có những cơ sở lại được nhà bán lẻ “thuê” gia công cho hàng nhãn hàng riêng là con đường sống của nhiều cơ sở sản xuất.