Chỉ số VN-Index có lúc đã giảm hơn 8 điểm trong phiên giao dịch ngày 2.8. Ảnh: Quý Hòa

 
Như Mai Thứ Năm | 02/08/2018 20:47

Chiến tranh thương mại có ám ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều rủi ro trong thời gian tới, phần lớn vì chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ.

Hiệu ứng lan truyền

Một lần nữa ông Trump lại tạo ra một tác động tiêu cực với chứng khoán Mỹ và thế giới. Ngày 1.8, chính quyền Trump đã xác nhận rằng, họ đang cân nhắc việc nâng đề xuất áp thuế từ ​​10% lên 25% đối với hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Các thị trường khác tại châu Á cũng cảm nhận sức nóng, với Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,3% và chỉ số Nikkei của Nhật giảm 1%.

Ông Hao Hong, người đứng đầu bộ phận môi giới BOCOM International, cho biết: "Chiến tranh thương mại là yếu tố thúc đẩy lớn. Với chiều hướng vẫn đang phát triển, rất khó để định giá đúng về cổ phiếu trong những bất ổn".

Nick Twidale, Giám đốc Điều hành môi giới của Công ty Chứng khoán Rakuten Securities, nói: “Thị trường hiện đang cảnh giác với bước tiếp theo trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bất kỳ động thái nào tiến tới cũng có thể khiến nhà đầu tư lo sợ và đẩy một số thị trường vào đà giảm giá”.

Chứng khoán Việt Nam hôm nay dường như cũng không năm ngoài tác động của thị trường chứng khoán thế giới. Chỉ số VN-Index có lúc đã giảm hơn 8 điểm trong phiên giao dịch ngày 2.8, như một sự lan truyền của chứng khoán châu Á. Tuy nhiên, đã phục hồi cuối phiên nhờ vào sức bật từ cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần VietJet và GAS của Tổng công ty khí Việt Nam, và TCB của NHTM Cổ phần Kỹ thương Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế - Việt Nam, nhận định: “Chiến tranh thương mại chủ yếu là giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng cũng không quá đáng lo. Thị trường chứng khoán có vài phiên rung lắc do hoạt động mua bán ngắn hạn nhưng cơ bản đã ổn định và sẽ phục hồi nhờ hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục khả quan 6 tháng đầu năm.”.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt thì cho rằng các yếu tố liên quan đến xung đột thương mại Mỹ -Trung sẽ vẫn là những yếu tố rủi ro chính ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán thế giới nói chung cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn. 

Rủi ro khác nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới?

Một số nhà đầu tư khá quan ngại về thị trường hiện nay, họ cho rằng hiện tại những tác đông tích cực từ mùa công bố kết quả kinh doanh đang phai nhạt dần, thị trường đang tiến vào giai đoạn thiếu thông tin.

Ngoài hiệu ứng lan truyền từ các thị trường chứng khoán thế giới, chiến tranh thương mại còn còn tác động tới chứng khoán Việt Nam từ những khía cạnh khác, bao gồm tỷ giá và lãi suất.

Trong 1 tháng qua, tỷ giá luôn là đề tài được bàn luận của giới đầu tư, chuyên gia. Và một yếu tố khác không thể không cân nhắc đó chính là việc lãi suất huy động và cho vay đều có xu hướng tăng. Nó thể hiện xu hướng thắt chặt tiền tệ nhằm hỗ trợ Việt Nam Đồng của NHNN. Những diễn biến tỷ giá và lãi suất hiện nay là rất khó lường chủ yếu theo hướng tăng, và phần lớn do những biến động từ bên ngoài. Tỷ giá tăng, và lãi suất tăng luôn là “kẻ thù” với mọi thị trường chứng khoán.

Mới đây nhất, ông Urjit Patel, Thống đốc ngân hàng trung ương của Ấn Độ, đã quan ngại về triển vọng của các cuộc chiến tiền tệ toàn cầu. Và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hai năm để hỗ trợ đồng Rupee và giải quyết áp lực lạm phát trong nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới.

Hôm 1.8, ông Patel nói với các phóng viên ở Mumbai rằng: “Chúng ta đã trải qua vài tháng hỗn loạn. Điều này có khả năng sẽ tiếp tục và tôi cũng không biết nó sẽ diễn ra trong bao lâu. Những tranh cãi về thương mại đã tiến triển thành các cuộc chiến tranh thuế quan và bây giờ chúng ta có thể bắt đầu cuộc chiến tranh tiền tệ”.

Với Việt Nam, tỷ giá hiện đều đã vượt mọi dự báo của nhiều tổ chức và giới chuyên gia. Phần lớn đà tăng hiện tại đều do sự mạnh lên của đồng USD, vốn gần đây được một số chuyên gia nhận định là sẽ hưởng lợi vì vị thế trong thanh toán quốc tế và sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.

Chien tranh thuong mai co am anh thi truong chung khoan Viet Nam?
Nguồn: SSI

Siết cung tiền luôn là nút thắt cho mọi thị trường chứng khoán. Tâm điểm của thị trường trong thời gian qua luôn là về dòng tiền. Theo báo cáo mới nhất của SSI, thanh khoản thị trường trong tháng 7 đã sụt giảm mạnh khoảng hơn 50% so với giai đoạn cao điểm vào tháng 1/2018.

Tuy nhiên, cũng có những ý khiến khác khiến chúng ta không quá lo lắng. Đó là sự chủ động của Chính phủ trong việc điều hành vĩ mô. Ông Khanh nhận định rằng mọi người đều nhìn ra được rằng điều hành vĩ mô năm nay khá sát với những diễn biến của thị trường. Chính phủ đã có sự chuẩn bị trướ từ năm ngoái và không còn bị động như thời gian trước đây. Các yếu tố vĩ mô năm nay đã được xác định rõ ràng là tăng trưởng 6,7-6,8%, CPI kiểm soát dưới 4,5%. “Chính phủ đã nhìn ra được bức tranh vĩ mô của cả năm nay và có sự ứng phó kịp thời”, ông Khanh kết luận.