Chiến lược sản lượng dầu của OPEC đã phát huy hiệu quả
Theo đó, sản lượng dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5/2016 giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 16,87 triệu tấn, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2001, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Hai 13/6.
Sản lượng dầu thô của Trung Quốc giảm có thể giúp cân bằng thị trường dầu thô và duy trì đà tăng 75% của giá dầu từ mức đáy 12 năm hồi đầu năm nay. Giá dầu tăng khiến OPEC tự tin rằng chiến lược do Arab Saudi dẫn đầu trong việc giành thị phần từ các nhà sản xuất có chi phí cao hơn đang đạt được những thành công. Tình trạng thừa cung cho thấy những dấu hiệu đang kết thúc khi các công ty phải đóng cửa những giếng dầu không hiệu quả và cắt giảm đầu tư, theo nhiều nhà dự báo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đến ngân hàng Goldman Sachs.
Michal Meidan, nhà phân tích tại hãng tư vấn Energy Aspects Ltd, nhận định, đây chắc chắn là dấu hiệu quan trọng cho thấy thị trường dầu thô toàn cầu đang tái cân bằng. Chiến lược của Arab Saudi đang bắt đầu "cho trái ngọt".
Sản lượng dầu của Trung Quốc thấp hơn phản ánh việc các hãng sản xuất nước này cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh giá giảm, Gordon Kwan, phụ trách nghiên cứu dầu khí châu Á tại Nomura Holdings ở Hong Kong, cho hay.
Hồi tháng 3 vừa qua, PetroChina - nhà sản xuất quốc doanh lớn nhất Đại lục - cho biết, hãng dự kiến sản lượng dầu khí sẽ lần đầu tiên giảm trong 17 năm qua khi phải đóng cửa nhiều giếng dầu "không có hy vọng" mang lại lợi nhuận, trong khi Cnooc Ltd cũng dự báo sản lượng dầu của hãng năm nay giảm 5,2%.
Ông Kwan nhận định, sản lượng dầu thô của Trung Quốc giảm đồng nghĩa rằng nước này sẽ phải tăng nhập khẩu từ Trung Đông và Nga.
Ngoài dầu mỏ, sản lượng than đá của Đại lục cũng giảm 15,5%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2015. Nhu cầu than ở nước này giảm vì nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, chuyển hướng sang tăng trưởng chủ yếu nhờ tiêu dùng.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg