Chiến lược ngách của quỹ AFC Vietnam Fund
Cách đây gần 2 năm, nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn đang vật lộn với nhiều khó khăn như tăng trưởng thấp, nợ xấu ngân hàng tăng cũng như những nỗi lo về tình trạng yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước. Trong lúc đó, tại quần đảo Cayman Islands, một quỹ mở mang tên AFC Vietnam Fund (AFC Vietnam) đã ra đời với mục tiêu rõ ràng: đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng các cơ hội đang lên ở thị trường cận biên này trong các năm tới.
Đó có thể là quyết định mạo hiểm bởi vào thời điểm ấy, khó có quỹ đầu tư nào lại mang tiền đầu tư vào một thị trường có quá nhiều thách thức như thế. “Chúng tôi tin rằng thời điểm đó là đúng đắn để đầu tư, bởi thị trường Việt Nam đã trải qua một giai đoạn rất khắc nghiệt từ năm 2007 đến năm 2013. Chúng tôi tìm thấy các công ty được định giá hấp dẫn với bảng cân đối tài chính có nhiều tiền mặt. Đó sẽ là những công ty có thể sống sót, tóm lấy cơ hội và tăng trưởng nhanh khi cơn bão qua đi”, ông Andreas Vogelsanger, CEO của Asia Frontier Capital Vietnam, công ty quản lý cho AFC Vietnam, nhận xét.
Tính đến tháng 8 vừa qua, suất sinh lợi ròng của Quỹ kể từ ngày thành lập đã đạt 33%, cao hơn hẳn so với diễn biến của chỉ số VN-Index trong cùng thời gian. Suất sinh lợi này là rất đáng chú ý dù rằng quy mô tài sản hiện tại của Quỹ tuy chỉ mới xấp xỉ 18 triệu USD.
Asia Frontier Capital Vietnam thực chất là thành viên của công ty quản lý quỹ lớn hơn là Asia Frontier Capital, chuyên lập ra các quỹ đầu tư vào thị trường châu Á. Những người sáng lập và điều hành Asia Frontier Capital Vietnam là những gương mặt gạo cội trên thị trường tài chính thế giới như Thomas Hugger, Andreas Karall and Andreas Vogelsanger. Họ có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư và làm việc tại nhiều thị trường trong khu vực như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Sri Lanka. Andreas Vogelsanger, chẳng hạn, có 25 kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, nắm giữ các vị trí điều hành cấp cao tại các ngân hàng như EVK Capital ở Singapore, Coutts Private Bank ở Hồng Kông, hay trước đó là Bank Julius Baer ở Thụy Sĩ. Trong khi đó, một cổ đông lớn của Asia Frontier Capital là Marc Faber, một trong những nhà đầu tư có uy tín trên thế giới với nhiều nhận định chính xác về các cơ hội đầu tư.
Là một quỹ mới và có quy mô khá nhỏ so với các quỹ hàng tỉ USD như Dragon Capital hay VinaCapital, AFC Vietnam dường như khá bất lợi khi hoạt động tại môi trường còn nhiều rủi ro như Việt Nam. Nhưng theo ông Vogelsanger, quy mô là một chuyện nhưng chiến lược đầu tư để phân bổ tài sản được xem là yếu tố rất quan trọng quyết định thành bại của một quỹ.
Ông Vogelsanger cho biết chiến lược cạnh tranh của Quỹ AFC Vietnam là căn cứ vào mô hình định lượng, chủ động săn tìm các công ty niêm yết có quy mô nhỏ và vừa nhưng sở hữu tiềm năng tăng trưởng phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, điển hình là các cổ phiếu thuộc lĩnh vực tiêu dùng, nguyên vật liệu và công nghiệp.
“Phân khúc thị trường này mang lại cơ hội đầu tư vì khoảng cách về định giá giữa các cổ phiếu lớn và nhỏ ở Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với các thị trường láng giềng, trong đó có những cổ phiếu bị định giá thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực”, ông Vogelsanger chia sẻ.
Chiến lược đầu tư này đã mang lại kết quả khá tốt cho đến thời điểm này. Ngoài suất sinh lợi ròng vượt trội so với diễn biến chung của thị trường thì chỉ số đo lường hiệu quả quản lý Sharp Ratio của AFC Vietnam hiện tới 2,5. Con số này cho thấy danh mục đầu tư của Vietnam Fund đã được đa dạng hóa khá tốt, không chịu nhiều rủi ro để đạt được mức sinh lợi như hiện tại.
Chỉ số P/E danh mục cuối tháng 8 của quỹ khá hấp dẫn khi đứng ở mức 6,72, chỉ số P/B đạt 1,07 trong khi suất sinh lợi theo cổ tức ước tính lên tới 6,32%.
Diễn biến tăng trưởng tài sản của AFC Vietnam Fund so với VN-Index |
Hiện số lượng các công ty Việt Nam mà AFC Vietnam Fund đầu tư vào khoảng 80. Các doanh nghiệp chiếm tỉ trọng đầu tư lớn là Công ty Vật liệu điện và Viễn thông Sam Cường, Đá Núi Nhỏ, Chứng khoán Bảo Việt, Gỗ Thuận An, Xây dựng và Khoáng sản Bình Dương.
Ông Vogelsanger cho biết đầu năm sau ông sẽ mang AFC Vietnam tiếp cận với các nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ vì họ đang quan tâm đến thị trường Việt Nam, xem đây là điểm sáng hiếm hoi tại châu Á thời điểm này.
Thực tế cho thấy mặc cho những khó khăn từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng tại Việt Nam với giá trị 174 triệu USD, tính đến ngày 25.9. Trong khi đó, theo Bloomberg, Thái Lan chứng khiến 2,9 tỉ USD vốn ngoại chạy ra khỏi quốc gia này. Số tiền bị rút khỏi thị trường Philippines và Indonesia lần lượt là 857 triệu USD và 850 triệu USD.
Năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 6,5%, chắc chắn sẽ thu hút nhiều hơn mối quan tâm của nhà đầu tư thế giới. Một động lực khác được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo tính toán của các nhà điều hành Quỹ AFC Vietnam, TPP có thể giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 30% chỉ trong vài năm tới.
Nhưng rủi ro hoạt động tại thị trường cận biên như Việt Nam vẫn là điều đáng quan ngại cho ông Vogelsanger và các cộng sự như hành động bất ngờ giảm giá tiền đồng (tổng cộng 5% kể từ đầu năm) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. “Bất kỳ quỹ đầu tư nào tại Việt Nam khi tính giá trị theo đồng bạc xanh đều bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Nhưng động thái này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trong trung và dài hạn, thậm chí còn có thể thịnh vượng”, ông Vogelsanger nói.
Trên bình diện rộng hơn, việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể mang đến rủi ro cho các quốc gia láng giềng, dù việc thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến tiêu dùng nội địa thay vì xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ mang lại những lợi ích cho các quốc gia xuất khẩu khác trong tương lai.
Và cuối cùng, nợ xấu của Việt Nam cũng là rủi ro cho các khoản đầu tư của AFC Vietnam. “Chúng tôi cho rằng sẽ có thể mất thời gian để giải quyết vấn đề nợ xấu, nhưng chí ít là chúng ta vẫn thấy tiến triển đang diễn ra từng bước một”, ông Vogelsanger kết luận.
Nguyễn Sơn