Chiến lược kép của Digiworld
Áp dụng chiến lược kép để giúp phục hồi tăng trưởng doanh thu và tăng tỉ suất lợi nhuận gộp sau giai đoạn khó khăn.
Kết thúc năm 2017, Digiworld (DGW) đạt lợi nhuận 78 tỉ đồng, tăng 17,4% so với năm 2016. Trong năm 2017, nhìn chung doanh thu từ mảng phân phối điện thoại giảm 29,9% so với năm 2016.
Tuy nhiên, doanh thu của mảng này trong quý II/2017 tăng 20,2% so với quý I, quý III tăng 32,2% so với quý II và quý IV tăng 59,8% so với quý III. Điều này là nhờ hiệu quả từ mảng cung cấp dịch vụ phát triển thị trường cho các dòng điện thoại ít phổ biến hơn, cụ thể là nỗ lực tiếp cận nhóm khách hàng nhỏ bị thu hút bởi các thương hiệu điện thoại giá rẻ với đầy đủ tính năng cần thiết.
Kể từ đầu năm 2017, DGW đã thay đổi chiến lược phân phối điện thoại di động bằng cách tập trung vào những thương hiệu sử dụng dịch vụ phát triển thị trường (MES) để tăng tỉ suất lợi nhuận gộp. Bởi sự thay đổi lớn trong phân phối điện thoại di động, doanh thu từ phân phối sản phẩm này giảm. Tuy nhiên, tỉ suất lợi nhuận gộp của mảng này đã được cải thiện đáng kể. Chính vì vậy, DGW đã đưa ra những mục tiêu doanh thu rất tham vọng cho năm 2018.
Nổi bật đầu tiên của kế hoạch này là sự gia tăng của mảng điện thoại di động. Khi DGW công bố mức doanh thu 1.200 tỉ đồng, tăng 59,6% so với năm 2017. HSC dự báo doanh thu phân phối điện thoại di động đạt 1.166 tỉ đồng (tăng trưởng 55%) từ mức thấp của năm 2017. DGW giới thiệu hệ sinh thái toàn diện cho dòng điện thoại Xiaomi tại Việt Nam thông qua cửa hàng Xiaomi đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 1.2018 và nhận được phản hồi tích cực từ các khách hàng trẻ. Do đó, HSC dự báo mảng phân phối điện thoại di động sẽ tăng trưởng mạnh với động lực chính từ dòng sản phẩm của Xiaomi.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu Counterpoint, thị trường smartphone của Việt Nam bị chi phối bởi phân khúc điện thoại 100-150 USD, chiếm khoảng 1/3 doanh số bán smartphone. Các mẫu điện thoại bán chạy tại Việt Nam hầu hết là phân khúc trung và giá rẻ.
Xét về thị phần smartphone tại Việt Nam, theo số liệu của Canalys, thị phần của Xiaomi tại Việt Nam đã tăng từ mức 0% vào năm 2016 lên khoảng 2% trong năm 2017. Phân khúc giá rẻ và trung bình là hy vọng của Xiaomi nhưng Công ty có thể đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt của Oppo với một hệ thống phân phối dày đặc ở Việt Nam. Đây có lẽ là một điểm mấu chốt trong kế hoạch của Xiaomi, Hãng có kế hoạch mở hơn 2.000 cửa hàng trên toàn thế giới.
Trong chuyến sang thăm cửa hàng MiStore đầu tiên Việt Nam vừa rồi, nhà sáng lập kiêm CEO của Xiaomi, Lei Jun, cho biết, số cửa hàng Mi Store sẽ phủ 15 thành phố lớn của Việt Nam trong năm 2018.
Điểm nhấn thứ hai trong kế hoạch của Digiworld là việc mở rộng sang ngành hàng tiêu dùng khi Công ty đặt mục tiêu doanh thu cho mảng hàng tiêu dùng là 200 tỉ đồng, tăng gần 300% so với năm 2017. DGW bắt đầu phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng dưới thương hiệu Kingsmen vào cuối tháng 8.2017. Theo GfK, chuỗi bán lẻ hàng công nghệ có độ lớn thị trường khoảng hơn 8 tỉ USD năm 2016, khoảng 9 tỉ USD năm 2017 đã chật chội và không còn nhiều dư địa; muốn tiếp tục mở rộng và phát triển, các công ty như DGW hay Thế Giới Di Động phải lấn sân sang các lĩnh vực khác, trong đó có dược phẩm.
DGW hiện gián tiếp sở hữu có cổ phần lớn tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Phát triển thị trường C.L., nhà phân phối độc quyền của Lion Corporation tại thị trường Việt Nam. Lion Corporation là công ty Nhật chuyên sản xuất chất tẩy rửa, xà bông, thuốc, các sản phẩm vệ sinh răng miệng và đồ vệ sinh cá nhân khác.
Hiện tại, sản phẩm của C.L. đã có mặt tại hơn 800 cửa hàng là các chuỗi siêu thị trên toàn quốc và hơn 20.000 kênh bán hàng độc lập, nhỏ lẻ. Chia sẻ với báo giới, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Digiworld, cho biết việc lấy được mã số nhà cung cấp từ các siêu thị là chuyện không hề đơn giản nhưng C.L. đã làm được và đang tiếp tục hoàn thiện, mở rộng kênh phân phối.
Công ty đã bắt đầu phân phối hàng tiêu dùng nhanh từ tháng 9.2017. DGW đang phát triển toàn diện đối với mảng hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm chức năng gồm phân tích thị trường, dịch vụ phát triển thị trường, logistics, phân phối và bán hàng, dịch vụ sau bán hàng. Do đó, mảng này cho tỉ suất lợi nhuận gộp khoảng 40%, cao hơn nhiều so với những mảng khác.
Nhìn chung, DGW đã từng bước chuyển từ phân phối thuần túy sang phân phối sản phẩm của chính Công ty. Những bước chuyển mình trên khiến HSC đánh giá cổ phiếu của DGW ở mức khả quan và cho rằng DGW là mã cổ phiếu có mức vốn hóa “thấp thú vị”.