Ảnh: Dân trí.
“Chiến lược 2 giờ”: Khó khăn nhiều hơn bứt phá
Vận hành giao hàng trong 2 giờ là không dễ dàng, nhưng là một trong những yếu tố hấp dẫn, một trong những bứt phá tại Diễn đàn “Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam” năm 2019.
Bứt phá
Đặt và nhận hàng chỉ trong 2 giờ đồng hồ, người mua hàng ở Việt Nam đang có những trải nghiệm tốt khi mua sản phẩm trực tuyến. Trong khi đó, người mua hàng ở Mỹ, châu Âu hay một quốc gia khác, thời gian trung bình giao hàng phải tính bằng ngày, có khi tính bằng tuần.
Theo quan sát của Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), ông Nguyễn Ngọc Dũng, thị trường Việt Nam có màu sắc riêng, tương tự Trung Quốc, với yếu tố thời gian giao hàng nhanh đang được nhiều công ty áp dụng như một thế mạnh để cạnh tranh với các đối thủ.
Dù vậy, đang có nhiều lý do làm “Chiến lược 2 giờ” không mang lại kết quả như kỳ vọng và chỉ thực hiện ở các thành phố lớn. Đến nay 70% các giao dịch vẫn tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo Phó Chủ tịch VECOM, không phải tất cả mọi loại hàng hóa đều được giao trong hai giờ. Nó chỉ diễn ra với các trường hợp gấp, như việc một khách hàng mua sạc pin điện thoại để ra sân bay sau đó chỉ một hoặc hai giờ đồng hồ.
“Bây giờ, những công ty này vẫn phải “liệu cơm” để “gắp mắm”. Họ vừa phải chạy đua để giao được hàng trong hai giờ, vừa phải có giá cạnh tranh. Khách hàng sẽ phản ứng, nếu doanh nghiệp giao hàng nhanh và thu tiền cao hơn”, ông Dũng nói.
Người Việt Nam rất nhạy cảm với giá cả hàng hóa, đặc biệt là chi phí vận chuyển. Trong khi đó, hầu hết người dân vẫn chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt, chưa quen với việc thanh toán điện tử, dẫn đến nhiều trường hợp hủy đơn, không nhận hàng.
Vẫn trong giới hạn
Việc chuyển gói hàng từ người bán đến người mua phức tạp hơn nhiều so với việc tạo ra một gian hàng, chỉ khoảng 30 phút với các ứng dụng công nghệ hiện nay. Nó đòi hỏi thời gian tính bằng năm để xây dựng mạng lưới giao hàng đủ sức phục vụ sự phát triển của công ty.
Do đó, vẫn có những công ty không hoàn toàn theo một “Chiến lược 2 giờ”. “Chúng tôi chạy song song hai hệ thống tại Lazada, dịch vụ giao hàng trong 2 giờ và giao hàng vào ngày hôm sau”, Giám đốc Lazada Express, ông Vũ Đức Thịnh cho biết.
Theo kinh nghiệm của Giám đốc Lazada Express, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể triển khai được chiến lược giao hàng trong một, hai giờ. Việc vận hành hệ thống theo khung thời gian 2 giờ đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cho tổ chức, hệ thống và thiết bị máy móc theo chiến lược này.
Số lượng nhân lực giao hàng phải tăng lên để đáp ứng yêu cầu của “Chiến lược 2 giờ”. Bình thường, một người giao hàng có thể mang 40-50 đơn hàng trong một hành trình, nhưng giao hàng trong 2 giờ, một người có thể chỉ mang theo một đến hai đơn hàng.
Một điểm nữa, theo ông Thịnh, mật độ giao thông tại các thành phố lớn trên cả nước đều rất cao, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu các doanh nghiệp ồ ạt triển khai chiến lược 2 giờ, số lượng người giao hàng tham gia giao thông sẽ tăng mạnh, đẩy tình trạng tắc nghẽn lên mức cao hơn và môi trường cũng sẽ chịu tác động.
Như vậy, việc giao hàng nhanh đến tay của khách hàng chỉ sau một, hai giờ đồng hồ còn phải mất nhiều thời gian mới trở nên phổ biến. Nhiều chướng ngại vật quan trọng doanh nghiệp cần vượt qua để có thể giao được hàng trong thời gian một, hai giờ.