Chia tay Vinataba, Bánh kẹo Hải Hà "lạc lối"?
Lợi nhuận sụt giảm mạnh
Thành lập năm 1960, quy mô sản xuất hiện lên tới 20.000 tấn/năm. Thương hiệu Haihaco một thời nổi danh khắp miền Bắc. Nhưng trước sự tham gia ồ ạt của nhiều thương hiệu ngoại, Haihaco dần vắng bóng.
Hiện tại, dù kinh doanh có nhiều khởi sắc nhưng Công ty Bánh kẹo Hải Hà vẫn còn kém xa thời hoàng kim. Cụ thể, theo báo cáo tài chính soát xét vừa công bố, Haihaco nửa đầu năm đạt doanh thu 404,8 tỉ đồng, tăng nhẹ 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá vốn duy trì ở mức cao cùng chi phí lãi vay và chi phí bán hàng tăng mạnh khiến lãi trước thuế về còn 916 triệu đồng, lãi sau thuế vỏn vẹn 696 triệu đồng, giảm tới 94% so với 6 tháng đầu năm 2017. Con số này không như kế hoạch công ty đề ra trước đó tại Đại hội Cổ đông tháng 4 vừa qua. Doanh thu hiện đạt 1.100 tỉ đồng, lãi trước thuế 100 tỉ đồng, hoàn thành 37% chỉ tiêu doanh thu và chưa đến 1% kế hoạch cả năm.
Haihaco đưa ra một số lý do như chi phí bán hàng tăng nhằm thúc đẩy doanh số tại các khu vực, chi phí tài chính tăng do phải vay vốn ngân hàng đầu tư các dự án cùng với chi phí nguyên vật liệu, tiền thuế đất và chi phí khấu hao tài sản cố định tăng cao.
Theo giải trình của doanh nghiệp này, một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của Haihaco sụt giảm mạnh là do chi phí lãi vay tăng cao. Báo cáo tài chính thể hiện dư nợ ngân hàng của Haihaco tăng đột biến từ mức gần như không vay (chỉ 252 triệu đồng) thời điểm đầu năm lên mức 253,3 tỉ đồng vào cuối kỳ, trong đó vay dài hạn 140 tỉ đồng, ngắn hạn 113,3 tỉ đồng.
Đi lệch chiến lược, đầu tư ngoài ngành
Mục đích vay vốn là để đầu tư xây dựng nhà máy VSIP Bắc Ninh 2 giai đoạn đầu và bổ sung vốn lưu động.
Dù phải đi vay khoản tiền không nhỏ, song báo cáo cho thấy Haihaco trong nửa đầu năm xuất hiện những khoản đầu tư ngoài luồng, như chi 12 tỉ đồng mua trái phiếu Công ty TNHH Hakuba, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 140 tỉ đồng theo Hợp đồng dịch vụ chứng khoán, hợp tác đầu tư 61,3 tỉ đồng với Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Mesa theo hai hợp đồng ký trước đó.
Tổng giá trị các khoản đầu tư lên tới 213,3 tỉ đồng, gấp 1,3 lần vốn cổ phần (164,25 tỉ đồng) và không thấp hơn nhiều giá trị các khoản vay của Haihaco trong kỳ. Ở một góc độ, có thể hiểu Haihaco đi vay để cho vay. Để lợi ích doanh nghiệp không bị ảnh hưởng, thì tỷ suất lợi nhuận sẽ phải cao hơn lãi suất họ đang phải trả cho các ngân hàng, hiện quanh mức 10%/ năm.
Áp lực tài chính sẽ ngày một lớn hơn nhiều nếu biết rõ kế hoạch vay nợ của Haihaco. Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, 100% cổ đông đã thông qua kế hoạch phát hành 700 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi trong năm nay.
700 trái phiếu với mệnh giá 1 tỉ đồng dự kiến có kỳ hạn phát hành 3-10 năm, nhằm thực hiện chương trình, dự án đầu tư và tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, Haihaco cũng đã ký hợp đồng tín dụng và sẽ vay thêm 110 tỉ đồng để thanh toán đầu tư giai đoạn 3 nhà máy ở Bắc Ninh.
Haihaco đã nhiều lần liên doanh với các đối tác ngoại, đầu tư mở rộng thị trường bánh kẹo. Chẳng hạn, Công ty Kotobuki (Nhật) hoặc Công ty Miwon của Hàn Quốc… Nhưng sự cạnh tranh cao đã khiến Haihaco nhiều lần hụt hơi.
Sau thời gian, sản phẩm mới của Công ty được thị trường đón nhận như bim bim (snack), bánh Cookies, kẹo cứng nhân hoa quả, Socolate... và dòng bánh ngọt, bánh sinh nhật. Thì sản phẩm của công ty bánh kẹo khác ra đời ồ ạt và chiếm lĩnh thị trường, những cái tên như bánh Cookies Kinh Đô, Quảng Ngãi, Bibica, cốm Tràng An, Snack Oishi... đã khiến sản phẩm của công ty liên doanh sụt giảm, Công ty lại rơi vào khó khăn…
Vượt qua mấy lần đứng bên bờ vực phá sản, thị trường miền Bắc, sản phẩm Haihaco có thời điểm chiếm 60%. “Tính chung thị phần cả nước, Hải Hà chiếm khoảng 7%”, ông Trần Hồng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà, chia sẻ với phóng viên.