Thứ Sáu | 25/07/2014 15:18

Chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro: Giải pháp cho ngành mía đường

Đó là một trong những giải pháp tối ưu để giải cứu ngành mía đường trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp trên được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nêu lên trong hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2013-2014 tổ chức hôm 24/7 tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Tiêu thụ đường trong nước tăng

Theo báo cáo của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (NLTS&NM, Bộ NN-PTNT), niên vụ mía đường 2013-2014 cả nước sản xuất mía nguyên liệu đạt hơn 309.000 ha (tăng hơn vụ trước 11.200 ha), tập trung ở 25 tỉnh có nhà máy đường; năng suất mía bình quân 64,7 tấn/ha (tăng 0,8 tấn/ha) so với vụ trước; tổng sản lượng đạt hơn 20 triệu tấn; chữ đường mía đưa vào nhà máy chế biến khoảng 10,3-10,5 CCS (cao hơn vụ trước 0,5-0,7 CCS). Hầu hết các diện tích vùng nguyên liệu tập trung được các nhà máy ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm.

Sở dĩ việc phát triển vùng mía nguyên liệu tăng cả diện tích, năng suất và chữ đường là nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, tưới nước cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, khi sử dụng biện pháp thâm canh tổng hợp như trồng xen cây họ đậu để tận dụng nguồn phân hữu cơ tại chỗ hoặc tủ gốc bằng xác thực vật; sử dụng vi sinh xử lý bẹ, lá sau mỗi vụ thu hoạch; đưa một số giống mía K88-200, K83-29, K88-92, QĐ94-119, VĐ55... vào sản xuất đã góp phần rất lớn tăng năng suất, chất lượng cây mía. Tuy nhiên, do giá đường tiếp tục giảm, có những nhà máy có nguy cơ bị thua lỗ nên giá thu mua mía chỉ giữ ổn định ở mức 800-1.000 đ/kg mía 10 CCS tại ruộng.

Đối với hoạt động sản xuất đường, vụ 2013-2014 cả nước có 41 nhà máy đường hoạt động với sản lượng đường sản xuất được gần 1,6 triệu tấn; trong đó đường luyện 750.000 tấn. Tổng lượng đường các nhà máy bán ra từ tháng 8/2013 đến 15/6/2016 đạt hơn 1,3 triệu tấn, tăng so với cùng kỳ năm trước gần 148.000 tấn; xuất khẩu khoảng 340.000 tấn. Lượng đường nhập khẩu hơn 72.000 tấn.

“Mức tiêu thụ đường trong nước tăng cao chủ yếu nhờ việc siết chặt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại nên đường nhập lậu giảm hẳn”, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến NLTS&NM cho hay. Cũng theo ông Thừa, lượng cung-cầu 6 tháng cuối năm 2014 sẽ không có nhiều biến động so với năm 2013. Theo đó, tổng nguồn cung sản phẩm đường ước trên 926.000 tấn; nhu cầu tiêu thụ khoảng 675.000 tấn.

Theo kế hoạch, niên vụ mía 2014-2015 diện tích sản xuất cả nước sẽ giảm xuống khoảng 300.000 ha; năng suất bình quân 60 tấn/ha; tổng sản lượng dự kiến 19,2 triệu tấn. Sản lượng mía ép 16,8 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,6 triệu tấn.

Sức cạnh tranh thấp

Phát biểu tham luận tại hội nghị, hầu hết ý kiến các đại biểu đều cho rằng ngành mía đường đang lép vế, sức cạnh tranh thấp, thậm chí rất thấp.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn và ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Mía đường I là do suất đầu tư trên đơn vị diện tích cao dẫn đến giá mía thu mua cao. Ông Tam đưa ra so sánh, giá thu mua mía của Việt Nam hầu hết cao hơn so với các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Brazil từ 1,5-3 lần. “Giá mía thu mua cao nhưng hiệu quả kinh tế của nông dân vẫn thấp. Vì thế sắp tới các nhà máy phải tính toán làm sao để giảm suất đầu tư ban đầu xuống ở mức thấp nhất; đồng thời, tận dụng tất cả các phụ phế phẩm để tăng hiệu quả cho nông dân”, ông Tam hiến kế. Hiện Công ty Mía đường Lam Sơn đang ứng dụng công nghệ cao xử lý mật rỉ, lá, bã mía để sản xuất ra những chế phẩm sinh học mang lại giá trị kinh tế dự kiến gấp 4 lần sản xuất đường.

Còn ông Nguyễn Văn Hội thì cho rằng, việc cần làm nhất hiện nay là xây dựng được một hệ thống liên minh các công ty, nhà máy với nhau, trong đó có sự tiên phong đi trước của những DN lớn để giải quyết dứt điểm các vấn đề về giống, tổ chức sản xuất, đầu vào, đầu ra cho sản phẩm.

Ông Hội kiến nghị Bộ NN-PTNT và các đơn vị liên quan cần xác định lại vị trí ngành mía đường ở tầm quốc gia hay quốc tế. Bây giờ không chỉ phát triển sản xuất nội địa nữa mà phải hướng tới xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ cũng phải định hướng lại các vùng sản xuất để DN chủ động nâng cao công suất, chất lượng khi đi vào vận hành. Sớm ban hành Nghị định về mía đường, các chính sách quản lý từ sản xuất đến lưu thông. Riêng ngành mía đường, cần tạo được mối đoàn kết, thống nhất giữa các công ty, nhà máy để cạnh tranh với nước ngoài.

Một vấn đề khác khiến nhiều DN xuất nhập khẩu đường qua thị trường Trung Quốc lo lắng là việc Bộ Công thương cho phép hàng hóa các nước tạm nhập tái xuất đi qua cửa khẩu phụ lối mở tỉnh Lào Cai, dẫn đến đường của Việt Nam bị ùn ứ, không thể xuất được.

“Hàng tạm nhập tái xuất chỉ được phép đi qua các cửa khẩu Quốc tế theo luật Quốc tế, còn các cửa khẩu phụ lối mở tỉnh Lào Cai là chiến lược của Việt Nam và chỉ phục vụ đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Phải làm như vậy thì thị trường tiêu thụ đường của chúng ta mới ổn định được”, một đại diện DN Xuất nhập khẩu tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu các đơn vị quản lý nhà nước cần tổ chức một cuộc thanh tra đánh giá lại chuỗi sản xuất ngành mía, từ đó phối hợp với các công ty, nhà máy xây dựng lại quy hoạch sử dụng đất, cơ giới hóa... để giảm giá thành sản xuất, chế biến, tăng hiệu quả tiêu thụ. Điều chỉnh một số diện tích mía kém hiệu quả, khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hóa chuyển sang trồng cây trồng khác theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình tốt. Đồng thời, tích cực phối hợp với BCĐ các cấp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. “Quan trọng nhất là giải quyết hài hòa lợi ích giữa DN và nông dân theo phương châm chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng nêu rõ, để nâng cao năng suất, chất lượng mía đường, DN cần chung tay với nhà nước nghiên cứu, du nhập các giống mía mới vào sản xuất; kiểm soát chất lượng đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nhằm giảm tổn thất trong quá trình sản xuất.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám ghi nhận kiến nghị của các đại biểu và sẽ báo cáo lên Bộ trưởng xem xét, xử lý. Riêng ý kiến về việc tổ chức Festival mía đường vào năm 2014, Thứ trưởng yêu cầu DN có văn bản đề xuất để Bộ có ý kiến chỉ đạo.

Nguồn Nông nghiệp Việt Nam


Sự kiện