Thứ Bảy | 01/02/2014 09:41

Chìa khóa thành công cho nền kinh tế Việt năm Giáp Ngọ?

"Quay vòng vốn sẽ là chìa khóa thành công cho nền kinh tế trong năm 2014", theo nhận định của CBRE.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, năm 2013 là năm thứ 6 liên tiếp kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng tăng trưởng dưới mức tiềm năng, dược xem như là chạm đáy của nền kinh tế. Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện được xem như tiền đề cho năm 2014, hi vọng vào một năm "thoát đáy".

Tăng trưởng GDP, lạm phát giảm?

Theo các chuyên gia, kinh tế trong nước được nhận định: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 sẽ có bước chuyển mình nhẹ nhàng, giao động từ 5,3 - 5,4% và khoảng 5,7 - 5,8% cho những năm tiếp theo.

Tốc độ tăng trưởng GDP thế giới trong 2 năm tới được các tổ chức tài chính quốc tế dự báo sẽ tăng từ mức 2,2% trong năm nay lên 3,0% vào năm 2014 và 3,3% vào năm 2015.

Tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu tăng từ mức 2,5% trong năm nay lên 3,1% và 5,4% trong năm 2014 và 2015 (theo IMF); tăng 4% và 5% (theo WB) cũng tạo điều kiện để tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam khởi sắc trong 2 năm tới.

Theo NFSC (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia), nền kinh tế Việt Nam năm 2014 và 2015 còn có nhiều sự thuận lợi, như kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt là lạm phát (năm 2014, dự báo chỉ số lạm phát là 7% và giảm xuống 6,5% vào năm 2015) tiếp tục tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư nguồn vốn toàn xã hội; đầu tư của khu vực tư nhân được cải thiện nhờ những giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đã triển khai trong thời gian vừa qua phát huy tác dụng.

Nợ xấu sẽ giảm?

Theo ông Lê Đức Thọ - Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết:“Năm 2014 NHNN sẽ tiếp tục xử lý nhanh hơn các khoản nợ xấu, xử lý có kết quả các khoản nợ này để đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống xuống mức phù hợp. Đồng thời, triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, không được thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng”.

Trong hai ba năm trở lại đây, tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã lên cao đến mức báo động. Đểgiải quyết vấn đề này, Chính phủ đã thành lậpCông ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)với một hình thức xử lý nợ xấu khá mới mẻ tại Việt Nam: mua lại bằng trái phiếu đặc biệt.

Mặc dù công ty quản lý tài sản quốc gia VAMC đã được thành lập, nhưng nhìn chung, hoạt động của nó vẫn chỉ dừng ở mức tạm thời là nơi nắm giữ nợ xấu thay cho các ngân hàng. Còn cơ chế xử lý nợ triệt để hay bán nợ cho bên thứ ba vẫn chưa định hình rõ ràng và điều này sẽ khiến việc xử lý nợ xấu tiếp tục đình trệ trong năm sau.

Tiềm năng vốn đầu tư FDI

Việt Nam đang có khá nhiều cơ hội trong thu hút nguồn vốn FDI. Kinh tế đang phục hồi khá tốt, tính từ năm 2007, chưa bao giờ lạm phát thấp và ổn định như năm 2013, mặt khác Việt Nam đang tham gia vào các hiệp định PPP, các nguồn FDI có quy mô lớn với các đối tác.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành của CBRE - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bất động sản hàng đầu Việt Namdự báo, nếu như năm 2013, các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Nga góp phần làm tăng trường nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, thì năm 2014, sẽ đến lượt các nhà đầu tư Trung Quốc.

“Trong 6 tháng vừa qua, CBRE nhận được rất nhiều thông tin của các nhà đầu tư Trung Quốc tìm hiểu về thị trường bất động sản Việt Nam, hứa hẹn trong năm 2014 này sẽ có nhiều nhà đầu tư bắt đầu đổ vốn vào Việt Nam”,

Trả lời trên báo Đầu tư chứng khoán, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài nhận định: “Rõ ràng triển vọng năm 2014 của Việt Nam là rất lớn. Tôi rất lạc quan với thu hút FDI trong năm 2014, chỉ còn vấn đề là chính sách thu hút FDI như thế nào”.

Bất động sản vẫn tiếp tục đóng băng?

2013 là một năm đáng buồn của thị trường bất động sản khi giá giảm liên tục. Điều này có thể sẽ tái diễn trong năm 2014 khi nguồn cung nhà tiếp tục tăng trong khi sức tiêu thụ vẫn yếu. Tuy vậy, đến cuối năm 2014, thị trường có thể sẽ khả quan hơn nhờ các hoạt động M&A cũng như sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế.

“Có thể thị trường năm 2014 sẽ khá hơn năm 2013, nhưng còn tùy vào nhiều yếu tố. Nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm sẽ góp phần kích cầu người tiêu dùng, đồng thời nếu chính sách cho phép doanh nghiệp chia nhỏ căn hộ được thúc đẩy mạnh, thanh khoản thị trường sẽ tốt hơn”, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, kỳ vọng.

Tuy nhiên,Công ty dịch vụ bất động sản CBRE Việt Nam lại đưa ra một dự đoán táo bạo về sự khởi đầu mới của thị trường bất động sản.

Trong báo cáo này, CBRE cho rằng, bánh xe nền kinh tế Việt Nam đang dần chuyển hướng với lãi suất và lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm qua.Theo đó, CBRE cho rằng, quay vòng vốn sẽ là chìa khóa thành công trong năm 2014.

Các chủ đầu tư sẽ không muốn bỏ lỡ những cơ hội đầu tư xuất hiện trong năm 2014 do đó sẽ đưa ra những điều khoản ngày càng hấp dẫn cũng như mức giá ưu đãi hơn nhằm giải quyết hàng tồn.

Ngoài ra, trong năm 2014, thi trường sẽ chứng kiến dòng vốn từ Trung Quốc tài trợ cho các giao dịch bất động sản, hàng loạt công ty bất động sản bỏ niêm yết trên sàn, sự vươn lên của phân khúc trung lưu tại thị trường nhà ở để bán... Do đó niềm tin vào dự báo này là hoàn toàn có thể.

Doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó

Mặc dù chưa có số liệu chính thức của cả năm 2013, nhưng 11 tháng đầu năm nay, tiếp tục chứng kiến sự “ra đi” của gần 55.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, cao hơn cả con số của 2 năm 2011 và 2012.

Cũng bởi tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị nghẽn mạch và dòng vốn không được hấp thụ một cách hiệu quả. Tình trạng “thừa tiền, thiếu vốn” vẫn tiếp tục tái diễn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì lý do đó, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội thấp hơn mục tiêu đề ra ở mức 30% và mức tăng tín dụng cả năm cũng khó đạt được con số 12% như Chính phủ từng đề xuất hồi đầu năm.

Vấn đề nền kinh tế nghẽn mạch tín dụng, trong khi đầu tư của mọi thành phần kinh tế lại chủ yếu dựa vào tín dụng, vì thế, đây được xem là một trong những thách thức lớn nhất của kinh tế Việt năm 2013.

Nguồn CafeF


Sự kiện