Ảnh: HPG.
Chìa khóa giúp "vua thép" thay đổi cuộc chơi
Lạc quan về diễn biến ngành thép
Tại buổi Gặp gỡ nhà đầu tư quý I/2020, được tổ chức vào ngày 15.5 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thép Hòa Phát, ông Trần Đình Long đã chia sẻ sơ bộ kế hoạch kinh doanh của HPG năm 2020.
Theo đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt trong khoảng 85.000-90.000 tỉ đồng và 9.000-10.000 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt khoảng 33-41% và 19-32% so với năm 2019. Trong đó, 80% doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát sẽ đến từ mảng thép.
Mặc dù trong 4 tháng đầu năm, thị trường sản xuất và tiêu thụ thép tăng trưởng âm lần lượt -8,4 % và -13,2% do dịch COVID-19, ông Trần Đình Long vẫn cho rằng trong năm 2020, thị trường tiêu thụ thép vẫn sẽ tăng trưởng dương do Chính phủ thúc đẩy đầu tư công cho các công trình cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, đánh giá về tác động của COVID-19, Chủ tịch Long cho rằng ngành thép ít bị ảnh hưởng, sau khi các nền kinh tế phong tỏa thì hậu tái thiết sẽ phải đầu tư công rất nhiều. Gói đầu tư công 700.000 tỉ đồng của Việt Nam chủ yếu giải ngân vào đường xá, cầu cống thì thép sẽ tiêu thụ tương đối tốt. Tuy nhiên, thực tế như thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới. “Năm 2020 tăng trưởng tiêu thụ thép sẽ là số dương chứ không phải số âm”, ông Long nhận định.
Ở kịch bản cơ sở, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Theo đó, VNDirect dự báo việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỉ đồng nhựa đường, 7.600 tỉ đồng thép xây dựng và 3.800 tỉ đồng xi măng.
Thay đổi cuộc chơi nhờ Dung Quất
Đến quý I/2020, Hòa Phát đã đưa hơn 80% khối lượng công việc giai đoạn 1 dự án Dung Quất sang tài sản cố định, khối lượng còn lại sẽ được Hòa Phát hoàn thiện nốt trong quý II/2020. Với giai đoạn 2 của dự án Dung Quất, theo kỳ vọng của Chủ tịch Trần Đình Long, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng 9.2020. Tuy nhiên, tiến độ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các chuyên gia nước ngoài. Hiện tại, các chuyên gia nước ngoài của Hòa Phát vẫn chưa thể sang Việt Nam để hoàn tất việc lắp đặt thiết bị do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo số liệu của VNDirect, ngành thép xây dựng Việt Nam hiện phải đối mặt với tình trạng dư cung, trong khi sản lượng toàn ngành tại thời điểm cuối năm 2019 mới chỉ đạt 80% công suất thiết kế. Cảng Dung Quất nằm trong khu liên hiệp Dung Quất, đã hoàn thành được hơn 85% và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong vài tháng tới. Cảng sẽ đón được tàu với trọng tải 200.000 tấn. Công ty Chứng khoán KBSV đánh giá, cảng này đi vào hoạt động sẽ giúp Hòa Phát nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu với giá thấp hơn từ các nhà cung cấp Brazil, Úc, Indonosia... Đây là một lợi thế cực kỳ lớn và sẽ giúp Hòa Phát chiếm được thêm thị phần của các nhà sản xuất thép trong nước khác.
Hầu hết các nguyên liệu đầu vào cho ngành thép xây dựng (quặng sắt, than cốc và thép phế liệu) đều được nhập khẩu. Do đó, trong trường hợp những quốc gia xuất khẩu các sản phẩm này tiếp tục có diễn biến COVID-19 phức tạp, các công ty trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro nguồn cung đầu vào không ổn định.
Tuy nhiên, VNDirect đánh giá rủi ro trên là không quá lớn. Hiện có rất nhiều quốc gia có thể cung cấp các nguyên liệu thô của thép. Do đó, nhà sản xuất Việt Nam có thể chuyển hướng nhập khẩu sang quốc gia không đóng cửa. Bên cạnh đó, các công ty nội địa cũng thường xuyên có kế hoạch dự phòng và tích trữ tồn kho nguyên vật liệu khoảng 3-6 tháng, đảm bảo hoạt động sản xuất không gặp ảnh hưởng.
Theo quan điểm của VNDirect, khu liên hợp thép Dung Quất sẽ là chìa khóa giúp HPG thay đổi “cuộc chơi” của toàn bộ ngành thép trong nước. Khi thành phần của Dung Quất giai đoạn 1 đi vào hoạt động, HPG sẽ rút ngắn được thời gian vận chuyển thép xuống miền Nam xuống chỉ còn 3 ngày, so với mức 7 ngày trước đây. Cùng với chiến lược cạnh tranh về giá, VNDirect cho rằng HPG sẽ hiện thực hóa được mục tiêu giành khoảng 35-40% thị phần tại khu vực phía Nam (so với mức 13,8% của năm 2019).
* Có thể bạn quan tâm
►Muôn nẻo thua lỗ của doanh nghiệp trong quý I
►Trung Quốc vẫn là thị trường cung ứng chủ yếu các mặt hàng được nhập khẩu vào Việt Nam