Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong việc thu hút FDI. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Hai | 26/08/2024 10:27

“Chìa khóa” để duy trì dòng vốn FDI mạnh mẽ

Sự quan tâm của các tập đoàn lớn đối với Việt Nam tăng mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố.

7 tháng đầu năm 2024, đã có 18 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký vào Việt Nam, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2023 (theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư). Số vốn FDI giải ngân cũng đạt hơn 12,5 tỉ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong việc thu hút FDI với hơn 12,65 tỉ USD, chiếm khoảng 70% tổng vốn đăng ký vào Việt Nam. Đứng thứ hai là ngành bất động sản khi chiếm khoảng 16% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024. 

Sự quan tâm của các tập đoàn lớn đối với Việt Nam tăng mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của Ngân hàng HSBC, để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, điều quan trọng là Việt Nam phải vươn lên trong chuỗi giá trị sản xuất và nâng phần giá trị cộng thêm nội địa trong những hàng hóa này. So với mức tăng mạnh của xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng, tỉ trọng của Việt Nam trong xuất khẩu vi mạch tích hợp (IC) toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chậm hơn. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư. Ảnh: NCĐT.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư. Ảnh: NCĐT.

“Mặc dù lao động có nền tảng giáo dục vững vàng, sự thiếu hụt nhân công có trình độ chuyên môn kỹ thuật dẫn đến những khó khăn trong phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn. Điều này thôi thúc Chính phủ phải tìm cách mở rộng nguồn nhân lực ngành bán dẫn trong những năm tới”, Ngân hàng HSBC nhìn nhận. 

Cũng theo tổ chức này, sự thiếu hụt nhân công có chuyên môn cũng ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, chẳng hạn như logistics và vận tải hàng hải. Bên cạnh mở rộng và nâng cao giáo dục nghề nghiệp ở cấp độ quốc gia, cần thêm nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ khuyến khích sự tham gia của các công ty nước ngoài với nền kinh tế trong nước có thể giúp tăng lợi ích của các dòng vốn FDI ngày càng phức tạp. Chẳng hạn, công ty sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ Synopsys mới đây ký thỏa thuận hợp tác làm việc cùng sinh viên và giảng viên Đại học Quốc gia TP. HCM trong thiết kế, đào tạo và nghiên cứu vi mạch.

 

Điều đáng khích lệ là đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy nhiều kiến thức và quy trình sản xuất phức tạp thâm nhập vào Việt Nam. Năm 2022, Samsung thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội nhằm phát triển thêm năng lực sản xuất, đồng thời bắt đầu sản xuất một số thành phần bán dẫn. Trong khi đó, Apple cũng gia tăng tầm ảnh hưởng ở Việt Nam, phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm cho iPad.

Các yếu tố bên cạnh cân nhắc về thuế, chẳng hạn như chất lượng cơ sở hạ tầng, cũng cần được tích cực giải quyết trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi tại nhiều nước. 

“Các biện pháp như tận dụng số hóa để quy trình thương mại được thông suốt, đảm bảo năng lượng ổn định và xanh, cũng như tạo điều kiện cho vận chuyển hàng hóa thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng có khả năng ảnh hưởng đến những quyết định đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong những năm tới”, Ngân hàng HSBC nhìn nhận. 

Có thể bạn quan tâm 

Thành bại tại logistics xanh