Thứ Ba | 04/09/2012 09:19

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam lên cao nhất 3 tháng

Theo chuyên gia của HSBC, tốc độ suy giảm của ngành sản xuất chậm lại cho thấy các hoạt động kinh tế có thể sẽ dần hồi phục vào quý IV.
Hôm nay, ngân hàng HSBC (Việt Nam) cùng với công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 8/2012.

Dữ liệu của tháng 8 biểu thị chỉ số PMI ngành sản xuất tăng đến mức cao của 3 tháng nhưng hoạt động kinh doanh vẫn còn dấu hiệu của sự suy yếu.

Cụ thể, chỉ số PMI tăng từ 43,6 điểm trong tháng 7 lên 47,9 điểm trong tháng 8, nhưng vẫn dưới ngưỡng 50 điểm thể hiện các điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục giảm thêm.

Sản lượng sản xuất tiếp tục giảm trong tháng 8 nhưng với tốc độ thấp nhất trong 4 tháng, nguyên nhân chủ yếu là do số lượng các đơn đặt hàng mới thấp.

Tương tự với khuynh hướng hoạt động sản xuất, khối lượng công việc mới cũng đã giảm chậm lại kể từ tháng trước. Đây là lần giảm thứ tư trong vòng 4 tháng với mức độ giảm nhẹ.


Trong tháng này, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm chậm hơn so với tốc độ giảm của đơn đặt hàng nói chung. Các công ty thường cho rằng việc giảm tổng số lượng đơn đặt hàng mới là do nhu cầu từ thị trường trong nước và quốc tế đều yếu.

Với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm thêm, lượng công việc chưa được thực hiện cũng đã giảm, các công ty nhìn chung cũng buộc phải giảm nhân công. Đợt cắt giảm nhân công trong tháng 8 là lần giảm thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, tỷ lệ cắt giảm việc làm vẫn còn khá nhỏ.

Hoạt động mua hàng tiếp tục giảm trong tháng 8 với tốc độ giảm chậm hơn đáng kể so với tháng trước đó, góp phần làm tồn kho hàng mua tiếp tục giảm thêm trong tháng này. Trong khi đó, các công ty cho biết năng lực của nhà cung cấp vẫn được bảo đảm khi thời gian giao hàng của công ty bán hàng tiếp tục được rút ngắn. Điều này một phần là do các nhà cung cấp có đủ lượng hàng hóa đầu vào vì nhu cầu đã giảm đi.

Chỉ số PMI của HSBC được xây dựng trên dữ liệu thu thập hàng tháng từ 400 nhà quản trị mua hàng ở các doanh nghiệp sản xuất. Chỉ số được tổng hợp dựa vào 5 trọng số: Đơn đặt hàng mới - 0,3, Sản lượng - 0,25, Việc làm - 0,2, Thời gian giao hàng của nhà cung cấp - 0,15, Tồn kho các mặt hàng đã mua - 0,1 cùng với chỉ số Thời gian giao hàng được đảo ngược để chỉ số biến động theo hướng có thể so sánh.PMI đạt mức 50 điểm trở lên cho biết mức tăng tổng thể của chỉ số đó, dưới 50 điểm là một mức giảm tổng thể.

Chi phí đầu vào trung bình của các nhà sản xuất hàng hóa Việt Nam đã tăng trong tháng 8 từ đó kết thúc thời kỳ giảm trong suốt hai tháng. Giá của một loạt nguyên liệu thô đã tăng lên, tuy nhiên, tốc độ tăng giá cả đầu vào chỉ là nhỏ.

Mặc dù tăng chi phí, các công ty tiếp tục hạ giá bán trung bình của họ. Lần giảm giá xuất xưởng trong tháng 8 là lần giảm thứ tư trong bốn tháng, nhưng với tốc độ thấp hơn nhiều so với tháng 6 và tháng 7. Các công ty giảm giá bán cho rằng họ làm vậy một phần vì áp lực cạnh tranh.

Chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen của ngân hàng HSBC cho biết, mặc dù các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam vẫn khó khăn, tốc độ xấu đi của ngành sản xuất đã chậm lại cho thấy các hoạt động kinh tế có thể sẽ dần hồi phục vào quý IV.

Nhu cầu thị trường nước ngoài tiếp tục yếu kém dẫn đến số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm. Trong nước, nhu cầu thấp, đặc biệt khi nhiều người Việt Nam cố gắng cắt giảm công nợ, GDP năm nay sẽ tăng chậm lại còn 5,1% (so với 5,9% của năm trước).

Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát theo tháng tăng trở lại do giá hàng hóa tăng cao, với bằng chứng là giá cả đầu vào cao hơn, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ can thiệp bằng cách tiếp tục giảm lãi suất thị trường mở và dựa vào các biện pháp hành chính để thúc đẩy tiêu dùng, vị chuyên gia này nhận định.

Nguồn Khampha/HSBC


Sự kiện