Chỉ số PCI: Nên hiểu và dùng thế nào cho đúng?
Cuối tháng 3 vừa qua, báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đã được công bố. Năm nay có ít nhất 12 chủ tịch tỉnh, 40 phó chủ tịch tỉnh tham dự buổi công bố chỉ số PCI năm 2015. So với 5 năm trước, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng đã có một sự khác biệt lớn về nhận thức của lãnh đạo các tỉnh về PCI. Khi đó, không ít lãnh đạo đã phản ứng về quyền hạn của VCCI trong việc chấm điểm năng lực cải cách môi trường kinh doanh của lãnh đạo các tỉnh.
Do các tỉnh cùng hoạt động trong một môi trường thể chế như nhau, nếu được xếp hạng khác nhau thì tỉnh có thứ hạng thấp thường được gán cho năng lực bộ máy chính quyền cấp tỉnh không đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp. Chính vì vậy, thứ hạng về năng lực cạnh tranh sau 11 năm thực hiện vẫn là vấn đề nhạy cảm đối với các địa phương.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận lợi ích của PCI. Đây là công cụ định hướng cho các tỉnh để có thể nhận thấy những điểm yếu trong môi trường kinh doanh, từ đó thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
Lấy ví dụ, để tháo gỡ khó khăn về vốn, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh làm rõ những vướng mắc trong thẩm định tài sản của doanh nghiệp. Việc vừa cho vay, vừa thẩm định tài sản của các ngân hàng khiến doanh nghiệp bức xúc, cho đó là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Thông qua những buổi “Cà phê Doanh nhân” với lãnh đạo tỉnh, kiến nghị mời đơn vị thứ 3 đánh giá độc lập tài sản thế chấp vay vốn của doanh nghiệp được ghi nhận và xử lý, giúp giảm thiểu tình trạng o ép so với trước đây.
Đối thoại đa chiều với các doanh nghiệp và người dân nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cũng đã giúp Đà Nẵng 6 năm liền xếp thứ nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp được ghi nhận bằng nhiều cách như đối thoại thường xuyên và trực tiếp tại cơ quan hoặc tại nhà; lãnh đạo các cấp trong tỉnh công khai địa chỉ thư điện tử, các trang mạng xã hội. Nhờ đó, hầu hết các vướng mắc của doanh nghiệp đều được xử lý. Nhằm tạo sự cảm nhận tốt hơn từ phía doanh nghiệp, lãnh đạo Đà Nẵng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện những chính sách mang tính đột phá.
10 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2015 |
Tuy nhiên, việc dùng chỉ số PCI để đo mức độ thành công của các tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh cũng cần phải thận trọng. Về mặt lý thuyết, môi trường kinh doanh sẽ thường thay đổi một cách từ từ và không có biến động đột ngột. Tuy nhiên, trong PCI, sự biến động về điểm số của nhiều tỉnh lại rất lớn. Ví dụ, Quảng Ngãi năm 2009 đạt 62,5 điểm, xếp hạng 7 nhưng sang năm 2010 xuống hạng 27 với 58,33 điểm. Đến năm 2011, Quảng Ngãi lại tăng lên 62,24 điểm, rồi năm 2012 giảm xuống 52,21 điểm, xếp hạng 55. Năm 2015, tỉnh này tăng lên 59,7 điểm, xếp hạng 15.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, PCI chỉ có ý nghĩa khi so sánh năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh tại một thời điểm, còn xét theo “năm sau tốt hơn năm trước” thì không có nhiều ý nghĩa. Do vậy, nếu xem PCI là công cụ để cải cách thì đó mới chỉ là việc gây sức ép từ cấp trên xuống buộc phải cải cách.
Ông Tú Anh cũng cho rằng, cần có thêm những chỉ số mang tính chất khách quan, được phản ánh bằng những con số cụ thể, như vậy mới đủ tạo áp lực cải cách, bởi mục tiêu cuối cùng là chất lượng sống của người dân. Việt Nam cũng cần một cơ quan đo được GDP cấp tỉnh, đưa ra được các con số đáng tin cậy. Trước đây, GDP cấp tỉnh đã từng được tính, nhưng ít nhiều bị “thổi phồng”, không phản ánh đúng bản chất.
Mặt khác, chỉ số đo việc làm trong khu vực doanh nghiệp cần được triển khai ngay, không chỉ đo số việc làm trong khu vực phi chính thức. Hiện nay, tỉ lệ việc làm trên tổng số lực lượng lao động rất thấp, chỉ khoảng 7% ở khu vực nhà nước, 22% ở khu vực doanh nghiệp, vẫn còn đến hơn 70% làm việc trong khu vực phi chính thức (bao gồm các hộ nông dân).
Một chỉ số cần có nữa là chỉ số đầu tư của doanh nghiệp. Nếu môi trường kinh doanh tốt, năng lực cạnh tranh tốt mà doanh nghiệp không đầu tư, không có tăng trưởng đầu tư thì chỉ số đó không mang nhiều ý nghĩa. Và nếu năng lực cạnh tranh được đánh giá là tốt mà đầu tư vẫn là đầu tư của Nhà nước thì kết quả cũng không nói lên điều gì.
Ngoài ra, với chỉ số đo tỉ lệ nghèo đa chiều hay nghèo thu nhập, theo ông Tú Anh phải được “tính đúng, tính đủ”. Những tỉnh như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã chuyển sang đo bằng nghèo đa chiều, tức là nghèo không chỉ về thu nhập, nhưng phải xét nghèo trên nhiều khía cạnh khác nhau. Thu nhập của người dân có thể cao nhưng không thể tiếp cận được các dịch vụ công.
Chẳng hạn, người nghèo ở TP.HCM có thu nhập cao hơn hẳn các tỉnh khác, nhưng với thu nhập đó, họ vẫn không tiếp cận được các dịch vụ cơ bản ở mức tối thiểu và con cái của họ không tiếp cận được giáo dục, y tế.
Những chỉ số này cần phải được biến thành những chính sách, hành động cụ thể trong thời gian ngắn mới có thể giúp tạo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức.
Cho đến nay, sau nhiều nỗ lực cải cách, quan điểm của lãnh đạo các địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực hơn cho khối doanh nghiệp. Tuy nhiên, để cải cách được môi trường kinh doanh, trước hết người đứng đầu tỉnh, thành phố phải có quyết tâm qua việc đề ra những mục tiêu, hành động rõ ràng và truyền đạt đến giám đốc các sở quan trọng như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường..., nhằm thực hiện bằng được các chỉ số, giải pháp cải cách.
Tiếp đến, phải tạo được áp lực bên trong để thực hiện cải cách qua việc vận dụng các nguồn lực từ báo chí truyền thông, hiệp hội cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia tư vấn độc lập. Muốn như thế, địa phương phải chia sẻ thông tin, chia sẻ kế hoạch và các mục tiêu hành động và tiếp thu những đánh giá, phân tích trung thực hợp lý. Kết quả cuối cùng, dù có thành công hay không, thì phải có người chịu trách nhiệm.
Hải Vân