DNV
Chỉ số khởi sự kinh doanh không cải thiện
Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy, 2 tháng đầu năm 2018, 11.191 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 29,0% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi chỉ có 6.878 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mức độ thuận lợi về khởi sự kinh doanh có ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của một quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem), trong một hội thảo kinh tế hồi tháng Một, đã chỉ rõ khởi sự kinh doanh đang là một trong ba chỉ số “không có cải thiện nào đáng kể” những năm gần đây.
Thậm chí, trong 3 năm gần đây, thứ hạng của chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã liên tục đi xuống, trở thành “một chỉ số xấu hổ”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) nhận xét.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam được đánh giá có cải thiện. Việt Nam xếp hạng thứ 68, tăng 14 bậc so với xếp hạng (82/190) tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017, do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối tháng 10.2017. Nếu tính 2 năm liên tiếp, Việt Nam đã tăng 23 bậc với 8 chỉ số tăng điểm và không có chỉ số nào giảm điểm.
Tuy nhiên, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã bị đánh tụt 10 bậc cũng tại Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017.
Đã không có nhiều ngạc nhiên với công bố của WB về thứ hạng của Việt Nam cho chỉ số này. Những vấn đề liên quan đến khởi sự kinh đã được cảnh báo tại Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam 2015/16 (GEM Việt Nam 2015/16) do Viện Phát triển Doanh nghiệp, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.
Tỷ lệ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khởi sự kinh doanh (từ 3 đến 5 năm) ở Việt Nam thấp, năm 2015 chỉ đạt 13,7%, xếp thứ 20/60, giảm 15,3% so với năm 2014 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 21,4% của các nước phát triển dựa trên nguồn lực.
Tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam lo sợ thất bại trong kinh doanh đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, từ 56,7% năm 2013, giảm xuống còn 50,1% năm 2014 và 45,6% năm 2015, so với mức 35,1% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực, xếp thứ 53/60.
GEM Việt Nam 2015/16 dự báo tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự kinh doanh trong 3 năm tới kể từ 2016, sẽ tăng so với năm 2014, từ 18,2% lên 22,3%. Tuy nhiên, mức thăng này vẫn thấp hơn mức trung bình 36,5% ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực và Việt Nam chỉ xếp thứ 23/60.
“Bộ kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chính về chỉ số về khởi sự kinh doanh nhưng mới chỉ ký quy chế phối hợp với các bộ ngành về thủ tục khởi sự kinh doanh”, Người đứng đầu Ciem cho biết.
Quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam theo mô tả của WB bao gồm 9 bước, trong đó có 4 bước thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kiểm tra tên doanh nghiệp, thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đồng thời là thủ tục đăng ký thuế tại phòng đăng ký kinh doanh địa phương; làm con dấu doanh nghiệp; đăng ký mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh; công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 5 bước còn lại thuộc phạm vi của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018 đặt ra yêu cầu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành. Để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung nói rằng “nhiều thủ tục có thể bãi bỏ, thay vì duy trì như hiện nay”.