Chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam sẽ tăng 50 bậc
Theo đó, mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật Doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.
Và một trong những sửa đổi quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp, đó chính là tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định.
Dự thảo Luật cũng đề xuất áp dụng thống nhất các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Dự thảo Luật tiếp tục đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn cho thành lập doanh nghiệp, như đơn giản hóa nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ ghi ngành nghề kinh doanh có điều kiện); hài hòa hóa và thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục về đăng ký thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội...
Một nội dung quan trọng khác, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đó là Dự thảo Luật dành hẳn một chương để bổ sung các quy định đặc thù của quản trị doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước.
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng thể chế hóa về pháp lý doanh nghiệp xã hội, nhằm tạo cơ sở thúc đẩy sự phát triển loại doanh nghiệp này như một phương thức mới giải quyết vấn đề xã hội.
Hàng loạt vấn đề khác liên quan các mô hình công ty hợp danh, cổ phần, nhóm công ty, doanh nghiệp cá thể... cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung.
“Những nội dung sửa đổi, bổ sung đó sẽ có tác động lớn đến việc tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và nhấn mạnh, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ giúp giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong gia nhập thị trường, quản lý kinh doanh, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng sẽ giảm đáng kể rủi ro thương mại và rủi ro pháp lý cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao quyền tự chủ, tính linh hoạt và mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh, qua đó, giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa năng lực, tiềm năng và cơ hội kinh doanh để phát triển.
Một lợi ích quan trọng khác, đó là sẽ giúp nâng cao hiệu lực giám sát nội bộ của chủ sở hữu và giám sát thị trường đối với hoạt động kinh doanh và qua đó, áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước.
“Sửa đổi Luật, môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn, thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn. Riêng về chất lượng môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số gia nhập thị trường dự báo sẽ tăng khoảng 50 bậc và sẽ xếp hạng khoảng 60 trên 189 quốc gia; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư dự báo tăng khoảng 30 bậc và sẽ xếp hạng khoảng 120 trên 189 quốc gia”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lượng hóa những tác động mà Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mang lại.
Trong khi đó, thay mặt Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đọc Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban, đã khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần phải làm rõ trong Dự thảo Luật.
Chẳng hạn, vẫn còn một số ý kiến trái chiều liên quan đến việc có chương riêng điều chỉnh hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước, cho dù thực tế, có một số không nhỏ doanh nghiệp hoạt động yếu kém thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về quản trị doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhà nước.
”Có ý kiến cho rằng, nội dung của chương này chưa tương xứng khi chỉ đề cập đến công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chủ sở hữu là Nhà nước. Do vậy, đề nghị thiết kế lại thành một mục quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% sở hữu nhà nước”, ông Giàu nói và cũng cho biết, đa số ý kiến đề nghị không nên có chương hoặc mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước trong Luật.
”Việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật Doanh nghiệp là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế”, ông Giàu cho biết.
Trong khi đó, liên quan quy định về ngành nghề và điều kiện kinh doanh, theo ông Giàu, một số ý kiến tán thành quy định như Dự thảo Luật về quy định các ngành, nghề và điều kiện kinh doanh tại các luật, pháp lệnh và nghị định điều chỉnh những lĩnh vực cụ thể.
“Thực tế sản xuất, kinh doanh và đời sống luôn biến động, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay dẫn đến có nhiều ngành, nghề cần điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh doanh mới”, ông Giàu cho biết.
Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
“Hiện nay, trong một số luật đã có quy định về lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, cần tập hợp để quy định thành những danh mục cụ thể kèm theo Dự án Luật này trên cơ sở xem xét tính hợp lý và khả thi; đồng thời, quy định rõ hơn trong Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh”, ông Giàu cho biết.
Theo kế hoạch, sáng 28/5, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ.
Nguồn Báo Đầu Tư