Ngày 22/7, chỉ số BDI đứng ở 1.421 điểm, giảm 689 điểm, tương đương 48,5%, so với cách đây 6 tháng; chỉ số BHSI cũng ở tình trạng tương tự khi đứng ở 719 điểm, giảm 347 điểm, tương đương 48,3%. Việc sụt giảm của chỉ số BDI và BHSI là dấu hiệu cho thấy ngành vận tải biển chưa có dấu hiệu phục hồi.
Hai chỉ số liên quan đến ngành vận tải biển thế giới là chỉ số BDI - The Baltic Exchange Dry Index và chỉ số BHSI (The Baltic Exchange Handysize Index) đang ở mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch. Hai chỉ số này phản ánh giá cước của ngành vận tải biển, việc tăng giảm giá cước của ngành vận tải biển được phản ánh qua hai chỉ số quan trọng này. Trong đó, chỉ số BHSI phản ánh trực tiếp giá cước của dòng tàu Handysize - loại tàu cỡ trung có trọng tải 35.000-50.000 DWT, dòng tàu các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam thường sở hữu.
Báo cáo lợi nhuận của ba cổ phiếu vận tải biển niêm yết trên sàn giao dịch HOSE là VOS (CTCP Vận tải biển Việt Nam), VST (CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam), VNA (CTCP Vận tải biển Vinaship) tiếp tục thua lỗ trong quý 2 năm 2014 phản ánh tình trạng thua lỗ chung của ngành vận tải biển.
Trong quý 2/2014, VOS mẹ lỗ ròng 57,8 tỷ đồng, nâng mức lỗ ròng 6 tháng đầu năm lên 87 tỷ đồng, thấp hơn 196,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm.
VST cũng trong tình trạng thua lỗ kéo dài khi quý 2/2014 tiếp tục lỗ 44 tỷ đồng, đưa mức lỗ ròng 6 tháng lên 81,7 tỷ đồng. Mức thua lỗ này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 148 tỷ đồng.
Mặc dù ban Tổng giám đốc VST khẳng định khả năng hoạt động liên tục của của công ty trong những năm tài chính tiếp theo, phù hợp với đề án tái cơ cấu Vinalines đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2013, nhưng thua lỗ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền cũng như khả năng hoạt động của VST.
Tổng nợ của VST đến cuối quý II đã tăng lên tới 2.389 tỷ đồng, gấp 10,7 lần vốn chủ sở 223 tỷ đồng. Lỗ lũy kế cho đến cuối quý 2 lên tới 381,5 tỷ đồng.
Còn tổng nợ của VOS đến cuối quý II đã lên tới 3.947 tỷ đồng, gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu 1.124 tỷ đồng. Lỗ lũy kế cho đến cuối quý 2 lên tới 304 tỷ đồng.
Việc sụt giảm của giá cước vận tải biển được một chuyên gia giải thích do nhu cầu vận tải biển của Trung Quốc, nền kinh tế sử dụng nhiều các loại nguyên liệu hàng hóa vận tải qua đường biển, sụt giảm với tốc độ nhanh.
Ba doanh nghiệp vận tải biển VOS, VST, VNA đã lỗ 2 năm liên tiếp. Với tình hình giá cước vận tải biển vẫn thấp như hiện nay, việc thua lỗ của ba doanh nghiệp này trong năm thứ ba liên tiếp nhiều khả năng trở thành hiện thực. Khi đó, việc rời sàn niêm yết của ba doanh nghiệp vận tải biển là điều khó tránh khỏi.
Giá cổ phiếu của hai công ty trên cũng phản ánh thực trạng chung của ngành vận tải biển khi vốn hóa thị trường chỉ bằng khoảng 50% so với giá trị sổ sách cho thấy các nhà đầu tư trên thị trường vẫn còn nghĩ rằng ngành vận tải biển khó lòng phục hồi trong tương lai gần. Ngày 21/7, giá cổ phiếu VOS là 4.100 đồng (giá trị sổ sách 8.510 đồng, vốn hóa thị trường 574 tỷ đồng), giá cổ phiếu VST là 2.700 đồng (giá trị sổ sách 4.540 đồng, vốn hóa thị trường 159 tỷ đồng).
Một lối thoát cho các doanh nghiệp vận tải biển đó là bán tài sản (các tàu già đã hết thời hạn khấu hao) để cải thiện dòng tiền. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cước vận tải biển sụt giảm kéo dài nhiều năm trời, việc bán tàu chỉ được xem là một giải pháp ứng phó tạm thời để duy trì dòng tiền, chờ đợi sự phục hồi của ngành hơn là để tránh thua lỗ năm thứ ba liên tiếp.
Nguồn Theo DVO/Gafin