Tuệ Anh Thứ Tư | 07/09/2022 11:02

Chi phí nhiên liệu tăng mạnh, hoạt động vận tải vẫn tăng trưởng ấn tượng

Hoạt động của các lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không trong nước đều có mức tăng trưởng đáng kể

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trong 8 tháng đầu năm 2022, số lượng hành khách thông qua các sân bay trong nước đạt 76,5 triệu khách, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2021. 

Đối với lĩnh vực hàng hải, tính trong 8 tháng, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt gần 496 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 8/2022 ước đạt 62 triệu tấn, tăng 3%. Trong đó, khối lượng hàng container đạt 2,13 triệu TEUs, tăng 2%. Với đường thủy nội địa, khối lượng hàng hóa đạt 242,5 triệu tấn và 53,8 tỉ tấn.km (tăng hơn 14%); số lượng hành khách đạt 177 triệu lượt và 3,3 tỉ lượt khách.km (tăng 14%).

 

Ở lĩnh vực đường bộ, vận tải hàng hàng hóa tăng trưởng hơn 16%, vận tải hành khách tăng 19%. Riêng với đường sắt, khối lượng hàng hóa vận chuyển 8 tháng qua ước đạt 3,9 triệu tấn, tăng 3,5% và 3,04 tỉ tấn.km, tăng 22,8%. Số lượng hành khách đạt 3 triệu lượt, tăng hơn 143% và 1,2 tỉ khách.km, tăng 137% so với cùng kỳ năm 2021.

Dù ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, nhưng các lĩnh vực vận tải đang phải đối mặt với áp lực về giá nhiên liệu. Đến nay hầu hết các hãng hàng không vẫn bị lỗ. Thêm vào đó, trên thế giới vẫn diễn ra những xung đột, liên quan đến việc triển khai các đường bay, khiến các hãng phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng không.

 

Theo kế hoạch năm 2022 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chỉ chiếm 21,5%, nhưng do giá nhiên liệu tăng trong nửa đầu năm 2022 đã khiến tỉ lệ này hiện đã lên đến 29%, làm tăng chi phí vận tải lên 15 - 20% so với kế hoạch ban đầu. 

Với đường thủy nội địa, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 45 - 50% chi phí vận tải và 32 - 35% giá dịch vụ vận tải. Để bù đắp cho mức tăng của giá nhiên liệu trong những tháng đầu năm, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Riêng đối với hoạt động vận tải biển, giá nhiên liệu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng chi phí khoảng 35 - 45%. Tuy nhiên, giá cước vận tải biển quốc tế đã tăng từ cuối năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát và đạt đỉnh vào tháng 9/2021 rồi giảm dần. Do đó, các doanh nghiệp vận tải biển hiện chưa tăng giá cước vận tải theo giá nhiên liệu.

Có thể bạn quan tâm:

CPI 8 tháng đầu năm tăng 2,58% so với cùng kỳ 2021