Thứ Hai | 25/02/2013 10:38

Chi phí dự phòng ăn mòn lợi nhuận ngân hàng quý IV/2012

Chỉ riêng quý IV, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Techcombank, Sacombank, MB còn lớn hơn dự phòng của 3 quý đầu năm.
Lợi nhuận quý IV đồng loạt giảm

Các ngân hàng lần lượt công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2012 và điều dễ nhận thấy nhất là kết quả lợi nhuận giảm mạnh, xuất hiện nhiều ngân hàng báo lỗ.

Dẫn đầu về lỗ trong quý IV là Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Trong quý IV, thu nhập từ tất cả các hoạt động của Techcombank cũng không đủ bù đắp chi phí hoạt động, khiến ngân hàng này lỗ trước dự phòng rủi ro tín dụng 88 tỷ đồng.

Sau khi trích lập dự phòng 1.128 tỷ đồng, Techcombank lỗ trước thuế 1.216 tỷ đồng, kéo lợi nhuận cả năm còn 1.018 tỷ đồng, giảm 75% so với năm 2011 và chỉ hoàn thành gần 20% kế hoạch. Kết quả kinh doanh quý IV là một trong số những lý do khiến nhân viên ngân hàng này không có thưởng Tết năm 2013 mà chỉ có lương tháng 13.

Lợi nhuận quý IV và cả năm 2012 của một số ngân hàng
Đơn vị: Tỷ đồng
Lợi nhuận quý IV và cả năm 2012 của một số ngân hàng
Techcombank: Lợi nhuận trước thuế; Các ngân hàng khác: Lợi nhuận sau thuế

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng báo lỗ quý IV/2012 với con số 871 tỷ đồng, khiến lợi nhuận cả năm giảm 65% so với năm trước, đạt 714 tỷ đồng. Sacombank trong quý IV phải trích lập dự phòng 852 tỷ đồng.

Bên cạnh Sacombank và Techcombank, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cũng lỗ quý IV/2012 và ghi nhận 2 quý lỗ liên tiếp. Tuy nhiên, ACB lỗ do hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng chứ không do trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Một số ngân hàng khác, dù có lãi nhưng kết quả giảm mạnh so với cùng kỳ, mà điển hình là Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB). Hầu hết các khoản thu nhập quý IV/2012 đều tăng, MB lãi trước dự phòng lớn gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng hơn 1.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận quý IV ngân hàng này giảm 60%.

Đối với VietinBank và Eximbank, lợi nhuận quý IV 2 ngân hàng này giảm đáng kể so với cùng kỳ. VietinBank vẫn là ngân hàng có lãi lớn nhất năm 2012.

Chi phí dự phòng tăng vọt do chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước?

Một nguyên nhân lý giải cho lợi nhuận của các ngân hàng trong quý IV/2012 giảm mạnh là chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 9/11/2012 của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) không trả cổ tức, không tăng lương, thưởng nếu chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Sacombank trong văn bản giải trình kết quả thua lỗ cho biết: "Nguyên nhân chủ yếu là do Sacombank thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng chứng khoán và dự phòng phải thu khó đòi theo chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 9/11/2012 về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước...".

Chỉ thị nói trên được ban hành trong quý IV và ngay lập tức tác động tới khoản mục chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và tác động trực tiếp tới lợi nhuận của các ngân hàng.

Tình hình trích lập dự phòng của một số ngân hàng
Đơn vị: Tỷ đồng
Tình hình trích lập dự phòng của một số ngân hàng
Techcombank 9 tháng đầu năm trích lập dự phòng hơn 320 tỷ đồng thì chỉ riêng quý IV trích lập dự phòng 1.128 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng giá trị trích lập dự phòng cả năm.

Tại Sacombank, chi phí dự phòng quý IV là 852 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng dự phòng cả năm. Với MB, khoản dự phòng quý IV bằng 50% cả năm.

2 ngân hàng VietinBank và Vietcombank tuy trích lập quý IV không đột biến nhưng là 2 ngân hàng có chi phí dự phòng lớn nhất.

Lợi nhuận có cải thiện trong năm 2013?

Câu hỏi được đặt ra là, sau khi đã trích lập dự phòng đầy đủ trong quý IV/2012, liệu lợi nhuận của các ngân hàng có được cải thiện trong năm 2013?

Nhìn vào trường hợp của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội, sau khi nhận sáp nhập Habubank, SHB đã trích lập dự phòng lớn trong quý III/2012 và ghi nhận lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang quý IV, ngân hàng này đã có lãi trở lại. Mặc dù vậy, lợi nhuận mà SHB công bố còn gây nhiều băn khoăn khi ngân hàng này đăng tải 2 báo cáo tài chính với kết quả chênh lệch khá lớn.

Sau khi báo lỗ 871 tỷ đồng quý IV/2012, Sacombank thông báo có lãi 275 tỷ đồng trong tháng 1/2013.

Nguồn Khampha


Sự kiện