Thứ Ba | 18/12/2012 21:50

Chi nhánh ngân hàng tương lai: Vĩnh biệt quy tắc cũ

Dân ngân hàng có một tiên đề: “Chi nhánh càng nhiều, thị phần càng lớn, và lợi nhuận càng cao”. Đó là chuyện hồi xưa …
Chuỗi chi nhánh mới của Citigroup tại Singapore khiến nhiều người phải chú ý. Không phải ngẫu nhiên mà chúng khiến người ta nhớ tới chuỗi cửa hàng huyền thoại của Apple. Tường bên ngoài gắn một màn hình cảm ứng khổng lồ, còn bên trong san sát những dãy máy tính Apple. Trên tay nhân viên ngân hàng là những chiếc iPad thời thượng.

Chỉ vài lần chạm vào màn hình iPad, ông Han Kwee Juan, sếp Citibank tại Singapore, đã cho thấy làm sao mà một khách hàng mỗi tháng tiêu vài ngàn đôla Singapore qua thẻ tín dụng Citibank lại tiết kiệm được chừng ấy tiền hàng năm nhờ giảm giá, chiết khấu và nhiều loại hình khuyến mại khác.

Đây là nỗ lực lớn nhằm lôi kéo khách hàng tới một chi nhánh vốn chẳng có vẻ gì là ngân hàng: không có cửa đề phòng kẻ cướp, cũng không có kính chắn ngăn cách nhân viên thu ngân. Khi Citigroup quyết định xây dựng mạng lưới chi nhánh mới tại Singapore, họ thuê chính công ty đã thiết kế các cửa hàng của Apple. “Chúng tôi phát hiện ra rằng có một chi nhánh kiểu này còn đáng giá gấp 10 lần những cái thông thường", người đứng đầu bộ phận ngân hàng bán lẻ tại Châu Á của Citigroup, ông Jonathan Larsen, nói.

Chi nhánh kiểu mới của Citigroup tại Singapore
Chi nhánh kiểu mới của Citigroup tại Singapore

Chi nhánh này còn đáng chú ý hơn nữa, vì nó phản ánh sự thay đổi căn bản trong lối tư duy của Citibank (cùng nhiều ngân hàng lớn khác) về mạng lưới chi nhánh. Trong nhiều thập niên, chi nhánh được coi là nơi khách hàng đến gửi và rút tiền. Gần đây người ta còn nghĩ làn sóng đổi mới thời internet sẽ cuốn băng chúng.

“10 năm trước, các nhà tư vấn nói chúng tôi nên đóng cửa các chi nhánh và để mọi chuyện cho internet”, Alfredo Saenz, CEO của Ngân hàng Santander, nói. “Nhưng tôi từng nghe những lời khuyên kiểu ấy từ cái thời mới xuất hiện thẻ tín dụng và ATM rồi … Và tôi sống đủ lâu để vẫn còn nhớ.”

Người ta nghĩ nên bỏ chi nhánh vì chi phí rất tốn kém. Vị trí phải nổi bật ở những khu phố đắt đỏ, mà chi phí nhân lực cũng không nhỏ. Vì hay bị cướp, nên chi nhánh nhỏ nhất cũng phải có đủ 4 người, dù cho 3 trong số đó cả ngày ngồi đuổi ruồi. Với các ngân hàng bán lẻ lớn, tiền thuê nhà, trang bị và trả lương nhân viên ít nhất cũng chiếm 40-60% tổng chi phí hoạt động, phần còn lại chủ yếu là hệ thống máy tính.

Dù người ta nói chi nhánh ngân hàng đã tới hồi cáo chung, nhưng trong thập niên vừa qua số chi nhánh vẫn tăng ở hầu hết các nước. Ở Mỹ, thị trường ngân hàng lớn nhất thế giới, số văn phòng và chi nhánh tăng 22% kể từ năm 2000, lên tới 90.000 chi nhánh. Ở Châu Âu, số chi nhánh cũng liên tục tăng trong suốt thập kỷ, đặc biệt là ở Tây Ban Nha và Italy. Ví dụ như Tây Ban Nha có tới 43.000 chi nhánh, gần bằng một nửa Mỹ, trong khi dân số chỉ bằng 1/7 và diện tích chỉ bằng 1/20.

Chi nhánh liên tục phát triển vì người ta vẫn nghĩ tiền là đặc biệt và muốn chắc chắn tiền của mình phải an toàn. “Vị trí là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi bạn chọn ngân hàng,” Chủ tịch và CEO của Ngân hàng Wells Fargo, ông John Stumpf, nói. “Sau đấy có thể bạn sẽ dùng dịch vụ ngân hàng qua mạng, có khi chẳng bao giờ đặt chân đến chi nhánh nữa … nhưng cái địa điểm ấy là nơi bạn vẫn nghĩ tiền của mình nằm ở đó.”

Hay ở chỗ, ngân hàng nào có càng nhiều chi nhánh, lại càng thu hút được nhiều khách hàng. JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất tại Mỹ, năm ngoái mở thêm 200 chi nhánh và dự định trong vòng 5 năm tới, mỗi năm sẽ mở thêm 150-200 chi nhánh. JPMorgan tính toán mỗi chi nhánh mới hàng năm kiếm về trung bình 1 triệu USD.

Quy luật đơn giản “ngân hàng có mạng lưới chi nhánh dày đặc nhất sẽ dành nhiều khách nhất” đã chi phối nhiều thế hệ trong ngành ngân hàng. Nghiên cứu của Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Mỹ FDIC vào năm 2005 cho thấy ngân hàng có mạng lưới chi nhánh lớn hơn sẽ tăng doanh thu nhanh hơn và mang về nhiều lợi nhuận hơn. “Chi nhánh đắt thật nhưng chúng là những cái biển quảng cáo vô cùng hiệu quả,” ông Peter Carroll từ công ty tư vấn Oliver Wyman, nói.

Bất chấp những công nghệ và sáng tạo mới được ứng dụng vào ngành ngân hàng mấy thập niên gần đây, nền tảng của ngành ngân hàng bán lẻ vẫn chẳng hề thay đổi suốt 100 năm qua. Nhưng điều này đang thay đổi, vì ba lý do.

Nguyên nhân “đầu tiên”

Lý do đầu tiên là kinh tế. Từ sau khủng hoảng tài chính, khả năng sinh lời từ ngân hàng bán lẻ tại các nước giàu giảm mạnh vì lãi suất quá thấp và luật lệ hà khắc. Đâu đâu ngân hàng cũng bị yêu cầu phải huy động thêm vốn. Ở Mỹ, thường thì các ngân hàng bán lẻ kiếm được tới một nửa lợi nhuận nhờ cho vay khoản tiền gửi lãi suất thấp (hoặc không lãi suất) từ tài khoản séc. Thế mà nay lãi suất cơ bản đã gần bằng không, còn lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ lệ lãi biên chẳng còn là bao.

Một nguồn doanh thu lớn nữa là phí và lệ phí thu từ hối phiếu, thanh toán chậm số dư thẻ tín dụng, và phí do nhà bán lẻ trả khi khách hàng dùng thẻ ghi nợ. Các quy định mới trong Luật Dodd-Frank cấm một số loại lệ phí trên và đặt mức trần cho một số loại khác. Vì lãi suất thấp, mỗi năm các ngân hàng mất khoảng 60 tỷ USD, còn vì các quy định mới, họ mất thêm 15 tỷ USD nữa. Do đó mà khoảng 15% số chi nhánh hiện đang hoạt động không còn khả năng sinh lời.

Ở Châu Âu, lãi suất thấp “đang ảnh hưởng nặng nề tới các ngân hàng bán lẻ,” ông Pedro Rodeia từ công ty tư vấn McKinsey nói. Ông tính toán rằng trung bình hiện các ngân hàng bán lẻ lớn tại Châu Âu đang lỗ trên một nửa số tài khoản khách hàng. Với một số ngân hàng, tỷ lệ này còn cao hơn.

“Cho đến nay người ta vẫn không đóng cửa ngân hàng vì không bị thúc bách về tài chính,” ông Michael Poulos từ công ty tư vấn Oliver Wyman nói. “Lần này sẽ khác … bạn sẽ thấy người ta đóng cửa rất nhiều chi nhánh.”

Số tiền tiết kiệm được sẽ rất lớn, theo McKinsey, ước tính các ngân hàng Châu Âu sẽ giảm được 15-20 tỷ euro mỗi năm nếu khuyến khích khách dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến nhiều hơn.

Nguồn CafeF


Sự kiện