Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo thông báo chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội chiều 19-5, Chủ nhiệm Văn phòng kiêm người phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định tới đây Quốc hội, HĐND chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữ nhiệm kỳ.
Tuổi Trẻ nêu vấn đề, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều phiên họp kín để thảo luận việc sửa đổi nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, cụ thể sẽ kiến nghị Quốc hội sửa những gì?
Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên được triển khai phản ánh chủ trương đúng đắn, cần thiết của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Qua việc lấy phiếu lần đầu đã giúp đội ngũ cán bộ của chúng ta tự soi mình, thấy được những ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ đó để đổi mới, nâng cao chất lượng, phương pháp lãnh đạo, phòng ngừa sai phạm. Đây cũng là một kênh để các cơ quan quản lý cán bộ của chúng ta tham khảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng có một số điểm cần rút kinh nghiệm qua việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên, để sau này thực hiện cho tốt hơn. Tại kỳ họp này, sẽ báo cáo với Quốc hội nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung để Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, có mấy điểm cần phải sửa: Thứ nhất là thời điểm thực hiện lấy phiếu; Thứ hai là đối tượng lấy phiếu; Thứ ba là hình thức lấy phiếu. Về đối tượng, sẽ đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định hiện hành về việc lấy phiếu những đối tượng do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Trong quá trình sơ kết, một số ý kiến đề nghị mở rộng lấy phiếu với các đối tượng HĐND không phê chuẩn nhưng giữ các chức danh giám đốc sở cấp tỉnh, trưởng phòng ở cấp huyện. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội quy định là các đối tượng này sẽ tiến hành lấy phiếu ở các hội nghị khác, ví dụ giám đốc sở hoặc trưởng ngành ở địa phương không lấy phiếu ở HĐND nhưng sẽ lấy phiếu ở hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đó cũng là một kênh để tham khảo chất lượng cán bộ.
Về thời gian lấy phiếu, quy định hiện hành là lấy phiếu hàng năm, cái tốt là có cơ sở để đánh giá cán bộ hàng năm, nhưng hạn chế là thời gian ngắn quá nên chưa đủ thời gian để người ta tự sửa và khắc phục những khó khăn, tồn tại. Chính vì thế, sẽ sửa đổi để chỉ lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm năm thứ ba, tức là năm giữa nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND. Ưu điểm theo chúng tôi là sẽ có thời gian để các đối tượng khắc phục, sửa chữa những tồn tại, khuyết điểm.
Về hình thức thì chúng ta vẫn giữ nguyên ba mức: tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp. Như vậy để phân biệt rõ giữa việc lấy phiếu và bỏ phiếu.
Nguồn Tuổi Trẻ