Chỉ giảm lãi suất thì vẫn không kích được cầu
Nhiều chuyên gia nhận định việc các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tích cực hướng vào tín dụng tiêu dùng là rất cần thiết; qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp (DN) tiêu thụ hàng tồn kho, quay vòng sản xuất kinh doanh. Đồng thời đây cũng là giải pháp hiệu quả giúp ngân hàng giải phóng nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Các ngân hàng có nhiều chương trình cho vay tiêu dùng hấp dẫn, nhưng khả năng giải ngân vốn khó. Lãnh đạo một NHTMCP thừa nhận, dù lãi suất cho vay tiêu dùng chỉ ở mức 7% - 8%/năm, song vẫn ít người vay. Nguyên nhân do trong điều kiện nền kinh tế vẫn chưa nhiều tín hiệu khả quan, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu.
TS. Cấn Văn Lực cùng chung nhận định khi cho rằng, bản thân người tiêu dùng không có nhu cầu vay, hoặc do dự đoán kinh tế còn khó khăn nên họ trì hoãn vay vốn mua tài sản có giá trị lớn như nhà hay ô tô. Hoặc một số đối tượng khách hàng vẫn đang chờ lãi suất giảm thêm nữa.
Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, lãi suất cho vay tiêu dùng ở mức 7% - 8%/năm dù thường chỉ áp dụng trong 3 - 6 tháng đầu cũng là một sự nỗ lực của ngân hàng. Bởi chi phí của các ngân hàng vẫn còn cao.
Trong khi đó, một chuyên gia ngân hàng phân tích, trung bình chi phí vốn các NHTM đã vào khoảng 9% (lãi suất tiền gửi, trích lập dự phòng rủi ro, chi phí hoạt động...). "Do vậy, với các ngân hàng để đưa ra một mức lãi suất như vậy đã gây áp lực về lợi nhuận đối với họ", vị này nói thêm.
Trong bối cảnh hiện nay, để kích tín dụng tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, bên cạnh hỗ trợ lãi suất từ phía ngân hàng, bản thân các DN phải chủ động giảm giá thành sản phẩm hơn nữa.
Một yếu tố không kém quan trọng để tăng hấp dẫn đối với người tiêu dùng đến vay vốn đó là các ngân hàng cần phải đơn giản hóa các thủ tục cũng như đẩy mạnh dịch vụ tư vấn chăm sóc khách hàng. Phó tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung nhấn mạnh, một trong những cản trở người vay vốn đến với ngân hàng chính là thủ tục rườm rà.
Nguồn Thời báo Ngân hàng