Chỉ còn 35% xe cá nhân trong cơ cấu giao thông TPHCM sau năm 2030
Theo đề xuất, tỷ lệ cơ cấu giao thông vận tải sẽ được điều chỉnh theo lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân. Cụ thể, nếu như hiện nay, phương tiện cá nhân (ô tô con, xe máy, xe đạp) chiếm khoảng 88-91% thì sau năm 2020 chỉ còn 72-77% và sau năm 2030 giảm xuống 35-45%.
Song song với hạn chế xe cá nhân, thành phố cũng sẽ đẩy nhanh phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đến năm 2020, xe buýt dự kiến sẽ đảm nhận khoảng 13-16% nhu cầu đi lại của người dân, năm 2030 sẽ là 35-45% và sau năm 2030 tăng lên 50-60%.
Ngoài ra, để giảm ùn tắc giao thông và hạn chế dần xe cá nhân, đơn vị này cũng đề xuất đầu tư xây dựng thêm 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT). Những xe buýt này sẽ hoạt động trên những tuyến đường rộng trên 30m như đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, đường Nguyễn Văn Linh, đường Quang Trung, Tân Sơn Nhất.
Hệ thống đường sắt đô thị cũng được điều chỉnh để tăng năng lực vận tải hành khách. Cụ thể, tuyến metro số 1 sẽ được kéo dài từ ga Suối Tiên kết nối với khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ Bình Dương. Tuyến metro số 3A sẽ được kéo dài từ Depot Tân Kiên kết nối với ga Tân Kiên, chiều dài dự kiến khoảng 4,5 km.
Thêm vào đó, công ty cũng đề xuất thay đổi hướng đi một số trục đường của cả 4 tuyến đường trên cao của thành phố nhằm đảm bảo giảm ùn tắc giao thông và không vướng vào những quy hoạch khác của thành phố.
Đặc biệt, đơn vị này cũng đề xuất xây dựng thêm một tuyến đường trên cao số 5 bắt đầu từ nút giao Trạm 2 (quận 9), chạy dọc theo Vành đai 2 (quốc lộ 1A) và giao với tuyến số 4 tại đường Vườn Lài và kết thúc tại nút giao An Lạc (quận Bình Tân) với chiều dài khoảng 34 km cho 4 làn xe chạy.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam cũng đã đề xuất xây thêm 3 cây cầu gồm cầu Bình Quới – Thủ Đức 1 (nối Thanh Đa – Tân Sơn Nhất – Bình Lợi), cầu Bình Quới – Thủ Đức 2 (nối Thanh Đa với Thảo Điền) và cầu Bình Quới – Thủ Đức 3 (nối Thanh Đa với Xa lộ Hà Nội).
Nguồn Vietnamnet