Nguồn ảnh: WSJ
Chi 16 tỷ USD để mua lại, LVMH sẽ giúp Tiffany lấy lại ánh hào quang xưa?
Thỏa thuận trị giá 16,2 tỷ USD mang lại cho LVMH một thương hiệu cổ điển của Mỹ, vốn đang phải đối mặt với việc nhu cầu suy yếu ở cả trong và ngoài nước. Công ty cũng đặt cược vào nền kinh tế của Trung Quốc và người tiêu dùng, những người có thu nhập tăng nhanh đã khiến họ trở thành khách hàng quan trọng nhất của ngành hàng xa xỉ. Để tìm kiếm sự tăng trưởng, Tiffany đang xây dựng các cửa hàng flagship ở một số thành phố của Trung Quốc.
LVMH, công ty sở hữu 75 thương hiệu, đã trở thành một trong những công ty có giá trị nhất châu Âu (220 tỷ USD), bằng cách tạo ra một thị trường lớn cho hàng hóa xa xỉ. Theo một con số ước tính, Louis Vuitton, chiếm 1/4 doanh thu của công ty có trụ sở tại Paris, bán hàng da, từ mức giá vài trăm USD, tại hơn 450 cửa hàng trên toàn thế giới.
Hai diễn viên Audrey Hepburn và George Peppard trong bộ phim Breakfast at Tiffany's năm 1961. ẢNH: PARAMOUNT. |
Tiffany, thương hiệu trang sức nổi tiếng toàn cầu, chuyên bán từ vòng đeo tay bằng bạc với giá vài trăm USD tới nhẫn đính hôn bằng kim cương giá hàng nghìn USD, có hơn 300 cửa hàng trên toàn cầu và có doanh thu hàng năm 4,4 tỷ USD... Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ thị trường châu Mỹ (44%) và châu Á (43%), phần còn lại ở thị trường châu Âu.
Thương hiệu 182 tuổi này đã cố gắng vực dậy lại hoạt động kinh doanh của mình sau khi thay giám đốc điều hành hai năm trước, dưới áp lực của các nhà đầu tư. Dưới thời CEO Alessandro Bogliolo, Tiffany đã đẩy mạnh việc mở rộng sang Trung Quốc và mở rộng sang phân khúc trang sức thời trang, với hy vọng thu hút được một nhóm khách hàng trẻ hơn.
Các cuộc thảo luận đã bắt đầu vào tháng trước sau khi Giám đốc điều hành LVMH, ông Antonio Belloni tìm đến ông Bogliolo, cũng là một cựu lãnh đạo của LVMH, WSJ dẫn nguồn thạo tin cho hay. Ông Belloni đã nói ý định của mình với Bogliolo trong một bữa ăn trưa vào ngày 15/10 tại New York, khiến ông bất ngờ, nguồn tin này cho hay.
Các vị lãnh đạo của Tiffany hoan nghênh một thỏa thuận như vậy, cho rằng họ có thể thực hiện chiến lược xoay chuyển cục diện tốt hơn, khi là một công ty tư nhân với sự hỗ trợ của LVMH. Tuy nhiên, ban đầu họ cảm thấy rằng LVMH không thiện chí, với lời đề nghị 120 USD/ một cổ phần. Theo nguồn thạo tin của WSJ, trong những tuần gần đây, các cuộc thảo luận giữa hai bên tập trung vào việc đưa ra một mức giá hợp lý hơn cho giá trị lịch sử của thương hiệu Tiffany và danh tiếng của nó.
Cổ phiếu của Tiffany đã tăng mạnh, chốt phiên ngày 22/11 ở mức 125,51 USD. Giá cổ phiếu của công ty này đã đạt đỉnh gần 140 USD vào giữa năm ngoái.
Cửa hàng Tiffany vào khoảng năm 1899, tại New York. Thương hiệu 182 tuổi này đang cố gắng vực dậy hoạt động kinh doanh của mình. ẢNH: BUYENLARGE. |
Việc mua Tiffany sẽ giúp LVMH mở rộng mạnh mẽ hơn sang ngành trang sức, một trong những mảng kinh doanh có mức tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng xa xỉ. Ngoài thương hiệu đối thủ của Tiffany - Bulgari, LVMH cũng sở hữu thương hiệu đồng hồ hạng sang, Hublot và TAG Heuer.
Trong nhiều năm qua, LVMH đã tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình trong ngành trang sức, một trong những mảng kinh doanh nhỏ nhất của LVMH. Tiffany là một trong số ít các thương hiệu nằm trong tầm ngắm của công ty có trụ sở tại Pháp. Các Giám đốc điều hành của LVMH thích kinh doanh trang sức bởi vì ngành này có những rào cản lớn khi gia nhập, điều này khiến các ông lớn trong ngành bỏ xa các đối thủ cạnh tranh mới nổi. Năm 2018, doanh số trang sức xa xỉ tăng 7% lên khoảng 20 tỷ USD, theo Bain&Co. Thị trường hàng xa xỉ cá nhân trị giá gần 290 tỷ USD vào năm ngoái, cũng theo công ty tư vấn Mỹ.
Theo nguồn thạo tin của WSJ, mhững người điều hành LVMH xem Tiffany là một "người đẹp ngủ say", một thương hiệu rất hứa hẹn nhưng lại đứng ngoài đà đi lên của thị trường trang sức trong thời gian gần đây. Gã khổng lồ của Pháp có kế hoạch tăng cường tiếp thị tại Tiffany và cung cấp thêm tiền để đẩy nhanh các chiến lược hiện có, bao gồm tung ra nhiều sản phẩm mới, nâng cấp cửa hàng và giúp gia tăng sức hút của thương hiệu với các millenials.
Mức tăng/giảm cổ phiếu (%) của các hãng thời trang kể từ đầu năm 2019. |
Mặc dù nhiều sản phẩm mà Tiffany bán không thuộc phân khúc cao cấp như những sản phẩm mà Bulgari hoặc các nhà kim hoàn xa xỉ khác ở châu Âu đang bán, nhưng LVMH cho rằng việc Tiffany có nhiều phân khúc giá là một điều tốt để thu hút người mua sắm trẻ tuổi. Khi là công ty con của LVMH, Tiffany sẽ không chịu áp lực phải báo cáo cho các cổ đông mỗi quý, giúp các vị lãnh đạo công ty có thời gian tập trung vào việc vực dậy công ty. LVMH không tiết lộ hiệu quả hoạt động của các thương hiệu cá nhân.
Gã khổng Pháp, vốn có doanh thu hàng năm khoảng 50 tỷ USD, sẽ sử dụng khoản lợi nhuận lớn được tạo ra từ các thương hiệu quyền lực của mình, chủ yếu là Louis Vuitton, để tài trợ cho việc vực dậy Tiffany.
►Cái chết của thời trang nhanh tác động đến ngành may mặc châu Á như thế nào?
►Các quốc gia Đông Nam Á đang trong "cuộc chiến" vẽ lại bản đồ chuỗi cung ứng
Nguồn wsj