Chỉ 1/3 số công ty chứng khoán có thể tồn tại
Đầu tháng 9/2011, một số nhà đầu tư tìm cách chạy khỏi CTCK SME vì cho rằng đơn vị này không thể đáp ứng các giao dịch rút, chuyển tiền của họ. Sau đó, SME bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đình chỉ hoạt động lưu ký 1 tháng cuối năm 2011.
Cùng thời điểm đó, CTCK Tràng An (TAS) cũng bị VSD cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch chứng khoán. TAS không còn khả năng thanh toán trong các giao dịch mua bán với nhà đầu tư, đồng thời nợ Quỹ Hỗ trợ Thanh toán của VSD hơn 7 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc TAS, ông Lê Hồ Khôi khi đó thừa nhận TAS mất khả năng thanh toán, vì không quản lý chặt khâu chuyển tiền của nhà đầu tư.
Việc mất khả năng thanh toán trở thành làn sóng được dự báo khi nhiều CTCK liên tiếp lỗ và vốn chủ sở hữu cũng không còn nhiều.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh (UBCKNN), nếu so với năm 2011 thì bức tranh thị trường chứng khoán trong quý I/2012 đã khả quan hơn.
Tuy nhiên, tính cạnh tranh thì ngày càng khốc liệt. Với khoảng 10 CTCK trong Top đầu đã chiếm tới 60% thị phần, rất nhiều CTCK vốn nhỏ nay đã cạn tiền, không có thị phần sớm muộn sẽ phải dừng chân.
"Quý I/2012 có 4 CTCK xin rút nghiệp vụ môi giới. Điều này đồng nghĩa những CTCK này sẽ xóa sổ hoạt động. Động thái cho thấy các CTCK này tự nhận thấy không đủ sức trong cuộc chơi nên tìm hướng đi khác", ông Sơn nói.
Ông Phạm Hồng Sơn cũng cho biết: "Trong 1 tháng qua, chúng tôi liên tục mời chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, kế toán trưởng của 40 CTCK đến làm việc.
Hiện UBCK đang xem xét, có thể đầu tuần này sẽ công bố đợt đầu những CTCK thuộc diện kiểm soát đặc biệt để đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Nếu để rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt 6 tháng liền, kèm với lỗ luỹ kế 50% vốn điều lệ, CTCK sẽ bị đình chỉ hoạt động".
Đánh giá CTCK theo tiêu chí an toàn tài chính, TS Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCKNN, cho hay, hiện có 40/105 CTCK khó khăn về thanh khoản không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính; có 71 CTCK bị thua lỗ (do giá cổ phiếu giảm thấp và đầu tư không hiệu quả).
Về đánh giá phân loại các công ty quản lý quỹ theo tiêu chí an toàn tài chính, có 4 công ty quản lý quỹ không đạt yêu cầu về an toàn tài chính và thua lỗ trên 50% vốn điều lệ, ngoài ra, có 23/47 công ty quản lý quỹ bị thua lỗ.
Tái cơ cấu: Chỉ còn 1/3
Chuẩn bị cho tái cấu trúc thị trường chứng khoán, UBCKNN đang gấp rút hoàn thiện các văn bản pháp lý gồm: sửa đổi Quyết định 27 về quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK liên quan quản trị rủi ro, vấn đề hạn chế đầu tư, vay, tái cơ cấu CTCK, quản lý tiền; Xây dựng quy chế về quản lý rủi ro đối với CTCK theo thông lệ quốc tế.
Cùng đó, ban hành một quy chế về cảnh báo từ xa để phân loại, đánh giá CTCK. Nhận định của UBCKNN, một bộ chỉ tiêu về cảnh báo từ xa để tăng cường kiểm tra, giám sát sẽ giúp cơ quan này đánh giá tình hình các CTCK hoạt động ra sao, những hệ lụy khi phá sản.
Dự báo của các chuyên gia và cơ quan quản lý, trong tổng số các CTCK hiện nay, sẽ chỉ còn khoảng 1/3 tồn tại, khi mà các quy định quản lý CTCK ngày càng chặt chẽ.
Theo ông Sơn, xu hướng mua bán, sáp nhập CTCK khó diễn ra vì CTCK rất khác với ngân hàng. Ngân hàng còn có chi nhánh, hệ thống khách hàng nhưng CTCK khi "cụt" vốn, không có khách hàng, hệ thống công nghệ kém khó cho hoạt động sáp nhập, hợp nhất. Chỉ những CTCK nào trụ được giai đoạn khó khăn trên mới có cơ hội phục hồi.
Nguồn Tiền Phong