Việt Nam đang thiếu hụt lao động tay nghề cao. Ảnh: Quý Hòa
Chỉ 11% lao động của Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp, nhận định như vậy tại Hội thảo: Hội nhập quốc tế: Nguồn nhân lực trong tương lai – Trang bị kỹ năng để lực lượng lao động trẻ Việt Nam thành công, hôm 3.12.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thị trường nhân lực Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực bởi kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhưng làm thế nào để tăng được tính cạnh tranh của lực lượng lao động này vẫn là thách thức lớn.
Đứng trước hai nhóm vấn đề lớn
Với gần 56 triệu lao động, Việt Nam đang có lợi thế lớn về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường quý II2/2018 của ManpowerGroup, chỉ 11% lao động của Việt Nam có kỹ năng tay nghề cao.
Trong khi đó, 2018 là năm thiếu hụt nhân tài cao nhất trong 12 năm trở lại đây. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nhân tài giữa lúc các tổ chức đang tích cực đầu tư vào số hóa, tiến bộ công nghệ thay đổi tổ chức, yêu cầu về kỹ năng tay nghề cũng thay đổi nhanh chóng.
Thiếu ứng viên thiếu kinh ghiệm hoặc kỹ năng chuyên ngành kỹ năng mềm là các nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt nhân tài.
Đã có 27% nhà tuyển dụng cho biết ứng viên thiếu kỹ năng chuyên ngành hay kỹ năng mềm. Từng vị trí sẽ có sự thay đổi khác nhau, nhân sự vị trí IT sẽ có tỉ lệ tăng lớn nhất, kế đó là nhân viên lễ tân và chăm sóc khách hàng. Ngược lại, số lượng nhân sự hành chính, văn phòng được dự đoán sẽ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của tự động hóa, theo khảo sát thiếu hụt nhân tài của ManpowerGroup năm 2018.
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, ông Đào Quang Vinh, cho rằng: “Việt Nam đang đứng trước hai nhóm vấn đề lớn: thể chế thị trường lao động và chất lượng nguồn nhân lực, trong khi xu thế hội nhập mới có tác động đến các vấn đề lao động”.
Theo ông Vinh, phát triển bền vững lại phụ thuộc vào 3 yếu tố: khả năng cạnh tranh, năng lực nội tại và sự kết nối. Tuy nhiên, chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GTCI) năm 2017 Việt Nam xếp thứ 86 trên 118 quốc gia; kỹ năng kỹ thuật và nghề nghiệp xếp thứ 98, còn năng suất lao động chỉ đạt 3.67/lao động, xếp thứ 89.
Ba kỹ năng cần có
Việt Nam có thể có được nhiều việc làm hơn nhờ Cách mạng công nghiệp 4.0 và các FTA. Theo tính toán của ManpowerGroup, CPTTP có thể mang lại cho Việt Nam 20.000 việc làm mới vào năm 2020, trong khi AEC cũng tạo ra 14 triệu việc làm mới vào năm 2025.
Đón cơ hội này, phát triển thị trường lao động, tăng cường năng lực cho hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước, đồng thời củng cố kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mới cho nguồn nhân lực, đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, những nỗ lực cho các vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực của Việt Nam là chưa đủ, nhất là khi hiểm họa chính trong thời đại số bao gồm: Tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo, số hóa.
Ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, nhận xét, Việt Nam có lực lượng lao động lớn với 57 triệu lao động, nhưng việc thích ứng với kỷ nguyên số của lao động Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức do người nói được tiếng Anh chỉ chiếm khoảng 5% và 11% có kỹ năng cao.
Ông cho rằng 3 kỹ năng quan trọng nhất mà một người lao động cần có là kỹ năng mềm, kỹ năng suy nghĩ phản biện và kỹ năng sáng tạo, bên cạnh kỹ năng cứng về chuyên môn. Ông nói: “Việt Nam cần lực lượng lao động thích ứng nhanh với mọi tình huống”.
Dịch chuyển lao động đang diễn ra khá mạnh trong khu vực ASEAN, mang lại những tích cực và tiêu cực. Chính phủ Thái Lan đã có cơ chế bảo vệ các nghề trong nước nhằm giảm thiểu rủi ro cho thị trường lao động trong nước. Theo ông, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể học cách làm của Thái Lan, nhưng về dài hạn, lao động Việt Nam cần được đào tạo và nên đào tạo theo nhu cầu thị trường.