Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam trong mắt Mỹ
Người bán rong và giá trị của những chiếc Rolls-Royce
Khoảng cách thu nhập gia tăng đang là vấn đề trên toàn cầu. Nhưng tại Việt Nam, tương phản này đặc biệt rõ.
Đặc biệt, với những người như bà Hà, bà Hiền (bán rau quả cho người đi đường) chỉ kiếm được chưa đến 5 USD/ngày, ngày nào cũng dậy từ 4h sáng để tới chợ đầu mối, sau đó đạp xe xuống phố để bán rong, kiếm tiền sống qua ngày, thì họ cũng chẳng bao giờ quan tâm đến những chiếc siêu xe lẫn trong dòng xe máy trên đường phố.
Hơn nữa, sự xuất hiện của những trung tâm như Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) với những mặt hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Cartier và Burberry.
Rồi cho đến thương hiệu McDonald’s cũng đã mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM (Việt Nam), hợp tác với Henry Nguyễn - Tổng giám đốc IDG Ventures.
Forbes Việt Nam ra mắt đầu năm 2014 và là nơi cho thấy sự giàu có của tầng lớp thượng lưu. Ấn bản đầu tiên của tạp chí này nói về ông Phạm Nhật Vượng – tỷ phú USD đầu tiên và thường được gọi là "Donald Trump của Việt Nam". Tài sản của ông vào khoảng 1,5 tỷ USD, chủ yếu từ cổ phần trong Vingroup – chủ sở hữu nhiều trung tâm thương mại, tòa nhà cao cấp và công viên mô phỏng nổi tiếng nhất Việt Nam.
Một dấu ấn quan trọng nữa, đó chính là, đầu năm 2011, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá là nước có "thu nhập trung bình". Và rất nhiều gia đình cũng đang tìm mua những chiếc Toyota Corolla hay Chevrolet Cruze. Số xe hơi xa xỉ bán ra cũng tăng với tốc độ tương tự, lên 4.700 chiếc năm 2014. Tất cả đều là những tin tức, những nơi xa vời đối với những người lao động như bà Hà, bà Hiền.
Trong showroom mới của Rolls-Royce cạnh sảnh một khách sạn 5 sao, một chiếc Wraith - dòng tầm trung của hãng, có giá 979.000 USD. Những chiếc đắt nhất phải có giá cao hơn tới hàng trăm nghìn USD.
Người mua thường yêu cầu thêm chi tiết, như biển tên với chữ ký dát vàng, ông Phạm Bửu Hội - Giám đốc Marketing của Roll-Royce Motor Cars Hà Nội cho biết. Tổng chi phí vì vậy có thể lên tới 2,5 triệu USD. Còn khi được hỏi về phương tiện di chuyển hàng ngày, ông cười lớn và cho biết: "Tôi đi xe máy, cũng như mọi người thôi".
Cách nhìn bằng con số của Việt Nam
Trước đó, Quốc hội cũng đã thảo luận về việc Thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Đại biểu Lê Thị Yến – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho biết: "Sự chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; chênh lệch giữa khu vực nông thôn và thành thị; giữa các vùng địa lý và giữa cộng đồng dân tộc thiểu số và đa số ngày càng sâu sắc hơn.
Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao. Mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao; giảm nghèo chưa bền vững".
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng nhìn nhận: "Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê cho thấy hệ số chênh lệch này đã tăng đều từ 8,1 (2002) lên 9,4 (2012).
Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước".
Chính vì vậy, cần phải nghiên cứu duy trì một số chính sách giảm nghèo phù hợp đối với các tỉnh, thành phố có chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia như chính sách tín dụng, dạy nghề và bảo hiểm y tế, đồng thời tiếp tục duy trì một số chính sách cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để bảo đảm thoát nghèo bền vững.
Nguồn Báo Đất Việt