Chế biến sâu, thị trường rộng
Thời điểm quan trọng để công nghệ chế biến tạo nên những đột phá.
Sau 3 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lượng bền vững Việt Nam (SETECH) đã nhận được hơn 1.000 phản hồi tích cực từ các khách hàng sử dụng thiết bị phơi sấy thực phẩm ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời - giải pháp sấy hoàn toàn mới do đội ngũ SETECH sáng tạo thành công.
NHU CẦU TĂNG CAO
Gần đây, Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu thành công màng bao gói biến đổi khí quyển (GreenMAP) giúp rau quả tươi lâu gấp 3 lần bình thường mà không bị tác động của hóa chất. Công nghệ này có cách sử dụng đơn giản, chi phí thấp, giảm tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch xuống chỉ còn 5% và đặc biệt phù hợp cho mục đích chiếu xạ rau quả theo yêu cầu của một số thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Thụy Sĩ... Màng bao gói GreenMAP đã được sử dụng cho vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nho (Ninh Thuận).
Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có công suất thiết kế khoảng 100 triệu tấn nguyên liệu/năm. Tuy nhiên, trình độ công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam chưa cao, các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn chiếm tỉ lệ lớn (khoảng 80% sản lượng), chủng loại chưa phong phú.
Lý do, theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, là công nghệ phục vụ chế biến sau thu hoạch hiện nay dựa vào kết quả nghiên cứu từ viện nghiên cứu và trường đại học, cùng với đó là bản thân doanh nghiệp được hỗ trợ và nâng cao năng lực hấp thụ, chuyển giao công nghệ.
Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 150 doanh nghiệp chế biến rau, trái cây, chiếm 2,19% số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Công suất trung bình đạt 1,2 triệu tấn/27 triệu tấn sản lượng trung bình mỗi năm, như vậy, chỉ đạt xấp xỉ 4,4%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới, như Philippines có tỉ lệ chế biến đạt 28%, Thái Lan 30%, Mỹ 65%... Doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả quy mô lớn trong nước bị hạn chế, bởi Việt Nam chưa hình thành được những vùng chuyên canh, thâm canh rộng, tập trung, trong khi các tập đoàn một khi đã đầu tư máy móc cần số lượng nguyên liệu chế biến đủ nhiều.
DẤU ẤN CỦA CÁC TẬP ĐOÀN LỚN
Những năm qua, thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng sôi động đã tạo động lực sáng tạo trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, Hội chợ Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2020 vừa qua đã giới thiệu nhiều công nghệ, thiết bị đáng chú ý của doanh nghiệp Việt như máy chần trụng rau củ, bộ tiệt trùng nhanh vi khuẩn cho nông sản, tủ cấy vi sinh, máy kiểm tra độc tố thực phẩm, máy trộn bột ướt và khô, máy cô mật ong siêu tốc...
Gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ sấy lạnh và máy nghiền hiện đại mà mặt hàng bột rau (rau má, chùm ngây, diếp cá, tía tô, lá sen...) được phụ nữ thành thị Việt Nam và nhiều nước phát triển ưa chuộng do bột đạt kích thước siêu mịn (mess 120) dễ hòa tan trong nước, có độ ẩm dưới 5% và màu sắc hương vị giống với màu rau tươi nguyên bản đến 99%.
Theo dự báo, đến năm 2022, thị trường trái cây và rau quả chế biến toàn cầu sẽ đạt 346 tỉ USD. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đang tạo điều kiện cho các nhà sản xuất chuyên nghiệp có cơ hội làm ăn lớn. Do đó, các dự án đầu tư giai đoạn này đều có công nghệ tiên tiến nhất, chế biến được các sản phẩm mà người tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật ưa chuộng.
Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đông Giao (Doveco), cho biết: “EVFTA có hiệu lực từ ngày 1.8 đang tạo điều kiện để chúng tôi xuất khẩu sang nhiều thị trường trong khối EU với giá tốt nhờ được giảm thuế, với những mặt hàng chiến lược như dứa lạnh, dứa hộp, nước dứa cô đặc, nước chanh dây cô đặc, quả vải lạnh, mơ lạnh, rau chân vịt...”.
Trong tháng 9.2020, Doveco đã khởi công Dự án Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La, diện tích gần 9 ha, là trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu; hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Dự án với tổ hợp 3 nhà máy có công suất thiết kế 20.000 tấn/năm.
Dự kiến, Trung tâm Chế biến rau quả Doveco hoàn thành vào cuối năm 2021, khi đi vào hoạt động sẽ thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn sản phẩm rau quả với kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 90 triệu USD.
Cũng tại Sơn La, Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ với vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng của Tập đoàn TH vừa khánh thành giai đoạn I.
Giai đoạn II sẽ triển khai sau năm 2025, chuyên chế biến các loại quả như nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau, củ, quả tự nhiên xuất khẩu. Nhà máy của TH sử dụng công nghệ trích ly hoàn toàn tự động và công nghệ chế biến áp suất cao HPP.
Bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, nhấn mạnh dự án đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ở phía Bắc, dự kiến trong quý I năm sau, Nhà máy Haphofood Hải Phòng do Công ty Haphofood (Lavifood sở hữu 100%) làm chủ đầu tư sẽ đi vào hoạt động. Với tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỉ đồng, nhà máy này có 6 dây chuyền sản xuất hiện đại được nhập khẩu hoàn toàn từ châu Âu.
Toàn bộ quy trình sản xuất khép kín và tự động hóa chiếm 80%. Hiện nay, ngoài 3 nhà máy có vốn đầu tư từ 1.000 tỉ đồng đến 1.800 tỉ đồng tại Long An, Tây Ninh, Hải Phòng, Lavifood còn cùng với Công ty Nông nghiệp và Thủy sản ILMI (Hàn Quốc) chuẩn bị đầu tư Nhà máy chế biến rau quả công suất 15.000 tấn thành phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng tại Khu Công nghiệp VSIP Hải Dương.