Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ.

 
Phạm Phú Ngọc Trai Thứ Tư | 26/12/2018 07:00

Chế biến gỗ: 10 tỉ USD và hơn thế nữa

Hướng đến con số xuất khẩu 10 tỉ USD, ngành chế biến gỗ Việt nam có thể đặt ra tham vọng lớn hơn?

Vướng Trung Quốc, gỗ Mỹ chuyển hướng sang Việt Nam

EU cam kết không đưa gỗ khai thác bất hợp pháp vào Việt Nam


Đi vào thị trường xuất khẩu gỗ nội thất thế giới trị giá 140 tỉ USD là con đường giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị của toàn cầu.

Phân khúc cao cấp nhất

Giá trị kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam tăng trưởng đáng ghi nhận trong những năm gần đây. Năm 2015, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 6,7 tỉ USD. Năm 2016, con số này là 7 tỉ USD và năm 2017 là 7,7 tỉ USD. Nếu tính cả lâm sản ngoài gỗ, giá trị xuất khẩu ngành năm 2017 đã vượt mốc 8 tỉ USD, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành tự tin vượt 9 tỉ USD xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản trong năm nay. Cho đến thời điểm này, lâm sản đã đứng vào nhóm top 6 mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn trong toàn bộ giá trị xuất khẩu Việt Nam, với tỉ lệ tăng trưởng 16,6%, đây là mục tiêu phát triển đáng ghi nhận và được xây dựng trên nền tảng cốt lõi của ngành chế biến gỗ Việt Nam: Năng lực sản xuất!

Che bien go: 10 ti USD va hon the nua
 


Với thế giới, khả năng chế tác thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ của Việt Nam đã được ghi nhận. Bằng chứng là đồ nội thất “Made in Vietnam” dưới thương hiệu danh giá của các hãng nổi tiếng đã có mặt khắp thế giới. Thậm chí, phân khúc cao cấp nhất, cung cấp sản phẩm cho các công trình đẳng cấp của quốc tế, doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng đã tham gia. Như vậy, việc nâng cao tỉ trọng 6% giá trị các mặt hàng đang sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu cho thế giới là điều khả thi.

Có một câu chuyện khá thú vị mà người trong ngành truyền tai nhau. Năm 2017, 70 công nhân Công ty Thiết kế Xây dựng AA (AA Corporation) đã được đưa đến Caribbean để thực hiện công trình nội thất cho Park Hyatt St. Kitts and Nevis, khách sạn 5 sao hàng đầu thuộc vùng biển nổi tiếng này. Doanh thu từ công trình trên là hơn 16 triệu USD, tương đương với một doanh nghiệp gỗ 700 người gia công sản xuất hàng xuất khẩu trong 1 năm.

Che bien go: 10 ti USD va hon the nua
 


Tương tự, thực tế là một chiếc bàn, chúng ta gia công, lợi nhuận đạt được tầm 3 USD/cái. Doanh nghiệp nước ngoài, mở xưởng ở Việt Nam, sản xuất với chi phí tương tự nhưng mỗi sản phẩm họ bán ra, cùng phân khúc thì lợi nhuận đạt được ít nhất cũng gấp 10 lần. Nghĩa là, nhờ số lượng lớn, nhờ nhân công rẻ, doanh nghiệp Việt Nam sống tốt, nhưng chưa xứng với tiềm năng. Sản phẩm ngành gỗ Việt Nam vẫn thiếu thiết kế và thương hiệu. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để ngành chế biến gỗ Việt Nam sớm gia tăng được giá trị, tạo nên những mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh phát triển bền vững toàn ngành? Câu trả lời là chúng ta cần một chiến lược phát triển và tầm nhìn xa để biến Việt Nam trở thành trung tâm nội thất của thế giới.

Trung tâm nội thất thế giới được không?

Trong hơn 20 năm qua, câu chuyện chính yếu của ngành chế biến gỗ vẫn tập trung vào sản xuất và đáp ứng đơn hàng từ quốc tế. Chuyên “chạy sự vụ” thường nhật như thế, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa dứt guồng sản xuất để nghĩ đến đầu tư xa hơn là thiết kế sản phẩm. Trong khi đó, đã có vài cái tên thiết kế người Việt Nam được vinh danh trên tầm quốc tế về chuyên ngành nội thất. Như vậy, nếu có chiến lược kinh doanh công nghiệp sáng tạo, trong việc sớm hình thành Viện Thiết kế Nội thất sẽ làm lực đẩy cho ngành chế biến gỗ tạo những giá trị gia tăng.

Che bien go: 10 ti USD va hon the nua
 


Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Thế mạnh lớn nhất là sản xuất nhưng đáng tiếc, chúng ta không có được một trung tâm triển lãm đúng tầm. Điều này cho thấy, Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến hoạt động thương mại. Chúng ta có nhiều và rất nhiều nhà sản xuất gia công nếu không đẩy mạnh công tác buôn bán, nghĩa là chúng ta chấp nhận đánh mất giá trị thương mại, chấp nhận việc doanh nghiệp sống trong bị động, chờ đơn hàng.

Đến với quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu nội thất thế giới là Trung Quốc, người trong ngành sẽ nghĩ ngay đến Phật Sơn, một địa danh chuyên kinh doanh thượng vàng hạ cám những sản phẩm nội ngoại thất, cung cấp cho khách mua hàng cả thế giới những sản phẩm mới nhất, chủ lực nhất của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hay tại High Point một thành phố chuyên đồ nội thất, cung cấp cho thị trường Mỹ và khu vực, người mua hàng không khó để tìm được những showroom chuyên ngành, liên tục trưng bày các sản phẩm nội thất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng lẫn thương mại.

Che bien go: 10 ti USD va hon the nua
 


Tổ chức được không gian cho những kết nối giao thương này, đồng nghĩa với việc tập hợp được nguồn lực tổng hợp của toàn ngành, từ nhà cung cấp nguyên liệu, đơn vị sản xuất đến đơn vị thương mại... Khi hợp nhất sức mạnh của ngành như thế, thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ trở nên hấp dẫn trong mắt nhà mua hàng quốc tế bởi bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều muốn đến đây có thể giải quyết mọi nhu cầu về hàng hóa của họ, đỡ tốn thời gian cũng như chi phí vận chuyển... Thay vì bước ra thị trường thế giới đơn lẻ như hiện nay để rồi tan như bọt biển trong thị trường toàn cầu rộng lớn, gom nguồn lực lại để doanh nghiệp nước ngoài thấy được thực lực toàn ngành sẽ hiệu quả hơn cho sự phát triển chung.

Nhu cầu cuối cùng để hoàn thiện mục tiêu trở thành trung tâm nội thất thế giới là Việt Nam phải hoàn thiện công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới, công nghệ tiên tiến từ các cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày một lan rộng thì áp dụng phân phối hiện đại như eBay, Amazon, Alibaba,… sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong phân phối, thương mại truyền thống.

(Bình Yên ghi)