Thứ Hai | 25/06/2012 11:51

Chế biến điều vẫn lệ thuộc nguyên liệu nước ngoài

Dù có nhiều hỗ trợ nhưng diện tích trồng điều vẫn liên tục giảm, khiến các cơ sở chế biến hạt điều đứng trước nguy cơ phá sản.
Hiệu quả kinh tế của cây điều thấp hơn so với cao su, hồ tiêu, khoai mì nên nhiều hộ nông dân đang dần thay thế trồng cây điều bằng các loại cây khác ở hầu hết các vùng trồng trọng điểm.

Tại Bình Phước, tính đến thời điểm hiện nay, khoảng 15.000 ha điều đã bị người dân chặt  bỏ để chuyển sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Ở các tỉnh khác như Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, diện tích trồng điều cũng đang giảm mạnh. Hiện toàn vùng Tây Nguyên chỉ còn khoảng 83.900 ha điều, giảm hơn 20.700 ha so với năm 2010. Trong đó, Đắk Lắk chỉ còn 30.000 ha, Đắk Nông giảm từ 24.000 ha xuống gần 19.000 ha.

Bên cạnh đó, giá điều trên thị trường thấp trong khi thời tiết diễn biến thất thường cũng làm giảm năng suất cây trồng.

Theo số liệu của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), tổng sản lượng điều khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 330.000 tấn. Hiện nay, sản lượng điều thô chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu chế biến, 50% còn lại phải nhập từ nước ngoài.

Chủ tịch Vinacas, ông Nguyễn Thái Học cho biết kim ngạch xuất khẩu điều nhân của Việt Nam từ đầu năm tới nay đạt 484 triệu USD, tăng 30,9% về lượng và 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên điều đó kéo theo tốc độ tăng trưởng nhập khẩu điều thô cũng gia tăng và doanh nghiệp chế biến ngày càng lệ thuộc vào nguyên liệu ngoại.

Vinacas khuyến cáo, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải làm tốt quy hoạch vùng nguyên liệu, giúp nông dân kỹ thuật chọn giống tốt, trồng điều theo hướng bền vững, chú trọng quảng bá để phát triển thị trường nội địa.

Nguồn Báo Công thương


Sự kiện