Nhiều ngân hàng tư nhân tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất huy động vào những tháng cuối năm. Ảnh: Quý Hòa
Chạy đua hút vốn cuối năm
→Ngân hàng lớn phản công Fintech
Nhiều ngân hàng tư nhân tiếp tục cuộc đua tăng lãi suất huy động vào những tháng cuối năm. Chẳng hạn như Ngân hàng OCB tăng 0,1-0,2 điểm phần trăm/năm ở một số kỳ hạn, VPBank tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên 7,3%/năm. Ngân hàng SHB cũng công bố mức lãi suất huy động lên đến 7,4%/năm đối với khoản tiền dưới 2 tỉ đồng cho kỳ hạn 6-11 tháng. Ngân hàng này cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho các kỳ hạn ngắn hơn hồi tháng 10.
Trong tháng này cũng diễn ra nhiều chương trình “tri ân” từ phía các ngân hàng. Vietcombank tung chương trình quà tặng bằng tiền mặt, trong khi BIDV hay VPBank khuyến khích khách gửi tiền bằng những chuyến du lịch nước ngoài. VPBank còn triển khai chương trình “ngày vàng” để cộng thêm 0,3-0,5 điểm phần trăm so với biểu lãi suất tham chiếu.
Như vậy, các ngân hàng đang tiếp tục mạnh tay huy động kể từ sau đợt đồng loạt tăng lãi suất vào tháng 10. Khi đó, các ngân hàng lớn như Vietcombank hay BIDV cũng tăng thêm 0,1-0,3 điểm phần trăm/năm ở nhiều kỳ hạn dưới 12 tháng. Techcombank cũng áp dụng biểu lãi suất mới với 6,8% ở kỳ hạn 12 tháng và 6% ở kỳ hạn 6-11 tháng.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của mình, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, lãi suất trên thị trường đã điều chỉnh tăng rõ rệt ở các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng tại các ngân hàng quốc doanh và kỳ hạn 12-13 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn.
Có thể nhận thấy 2 xu hướng trong làn sóng tăng lãi suất từ đầu năm đến nay. Thứ nhất là lãi suất đang được các ngân hàng nhỏ đẩy lên ngày càng cao, có ngân hàng đưa ra mức 8%/năm. Thêm nữa, lãi suất huy động ở các ngân hàng quốc doanh hầu như tương đương với các ngân hàng tư nhân lớn khác ở kỳ hạn 12 tháng, vốn là kỳ hạn “tiêu chuẩn” vì liên quan đến nhiều tiêu chí hoạt động an toàn của các ngân hàng.
Không chỉ tăng cường huy động vốn từ thị trường dân cư, các ngân hàng cũng tăng cường vay mượn lẫn nhau. Báo cáo của SSI cho biết, lãi suất liên ngân hàng sau một thời gian tương đối bình ổn đã tăng lên trên mức 4,5%, trong đó lãi suất qua đêm tăng mạnh nhất, đạt đỉnh 4,533%, tăng 1,93 điểm phần trăm so với cuối tháng 9. Trước đó, thị trường liên ngân hàng sôi động lần gần nhất là vào tháng 8, sau đó giảm dần khi nhu cầu vay mượn đi xuống.
Một điểm đáng chú ý nữa là các ngân hàng cũng ra sức bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn bằng cách phát hành thêm trái phiếu, đặc biệt là những ngân hàng có quy mô lớn. BIDV mới đây phát hành 4.000 tỉ đồng trái phiếu với kỳ hạn 7 năm và 10 năm. Trong khi đó, Vietcombank mới công bố huy động được 550 tỉ đồng qua 6 đợt phát hành trái phiếu trong năm.
Quy định về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (sẽ giảm từ 45% xuống còn 40% vào đầu năm 2019) khiến nhiều ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn. Trái phiếu vì thế trở thành kênh mà nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh để có thêm nguồn vốn đầu vào, phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Có thể thấy các ngân hàng đang tăng cường huy động từ thị trường ngoài dân cư. Tốc độ tăng trưởng huy động ở nhiều ngân hàng hiện thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng như ở trường hợp Vietcombank, tăng trưởng dư nợ 15%, nhưng huy động tiền gửi chỉ tăng 9,1%. Đáng chú là hiện tượng này diễn ra ở cả 3 ông lớn ngân hàng quốc doanh.
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện tượng tăng lãi suất vào cuối năm là bình thường, vì các ngân hàng tranh thủ hút mạnh tiền nhàn rỗi để chuẩn bị cho các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất huy động trong năm nay có xu hướng tăng dần lên theo biến động của kinh tế thế giới, đặc biệt là kế hoạch nâng lãi suất định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro không lường trước được từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến tình hình trở nên phức tạp hơn, tạo áp lực đáng kể lên tỉ giá khi đồng USD có xu hướng tăng, nhân dân tệ có xu hướng giảm. Cả hai đều là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Trong năm 2019, dự kiến lãi suất đồng USD sẽ còn được cơ quan quản lý Mỹ điều chỉnh tăng thêm, trong khi Việt Nam gia nhập thêm nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trong bối cảnh cơ hội đến nhiều hơn khi thương mại rộng mở, các doanh nghiệp Việt vẫn phải dè chừng với chi phí lãi vay, vì chi phí đầu vào ở các ngân hàng nhìn chung dự kiến tăng lên tương đối.