Thứ Năm | 07/01/2016 11:48

Châu Mỹ Latinh: Vận hội mới cho doanh nghiệp Việt

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã tăng từ mức vài chục triệu USD năm 1990 lên tới 9,5 tỷ USD trong năm 2014.

Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở ra cho Việt Nam hàng loạt cơ hội hợp tác về mặt thương mại không chỉ với các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia,… mà còn với cả 3 quốc gia Mỹ Latinh là Chile, Mexico và Peru.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã tăng từ mức vỏn vẹn vài chục triệu USD năm 1990 lên tới 9,5 tỷ USD trong năm 2014. Trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều khả năng sẽ thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư từ các nước Mỹ Latinh, nhằm tận dụng ưu thế sẵn có về lao động và thị trường.

Chile: Cơ hội lớn trong ngành đồ gỗ, rượu vang và khoáng sản

Kể từ năm 2014, Việt Nam và Chile đã có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong quan hệ thương mại đôi bên. Trong 5 năm qua, kim ngạch thương mại Việt Nam – Chile đã đạt mức tăng trưởng bình quân lên tới 26,8% mỗi năm. Trong mười tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Chile sang Việt Nam đạt  244,7 triệu USD, trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Chile vươn đến con số 515,5 triệu USD.

Chau My Latinh: Van hoi moi cho doanh nghiep Viet
Thủ đô Santiago của Chile - Ảnh: wellesley.edu

Một cơ hội hợp tác đáng chú ý giữa hai nước là ngành công nghiệp đồ gỗ. Chile là nước sản xuất gỗ khá lớn với sản lượng hàng năm là 40 triệu mét khối, còn kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm từ 15 đến 18% trong vòng 10 năm qua. Việt Nam hiện là nước sản xuất đồ gỗ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á và lớn thứ sáu trên thế giới, với tổng giá trị đạt 7 tỉ USD vào năm 2015. Vì thế, nguồn gỗ của Chile chắc chắn sẽ là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của ngành đồ gỗ Việt, vốn đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày càng gia tăng cũng mở ra một thị trường đầy triển vọng cho các công ty rượu vang của Chile. Vang Chile hiện đang có thị phần lớn thứ nhì Việt Nam là 20%, và đang ngày càng trở nên phổ biến nhờ giá cả phải chăng. Không chỉ thế, sản phẩm này còn được hưởng lợi nhờ việc giảm thuế nhập khẩu từ 56% xuống còn 20% theo FTA.

Cuối cùng, khai thác khoáng sản là một trong những lĩnh vực xuất khẩu mạnh nhất của Chile do cơ sở hạ tầng phát triển tốt và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Tuy nhiên, trước đây lĩnh vực này bị phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc và do đó đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sụt giảm tăng trưởng kinh tế của nước này. Quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Việt Nam chắc chắn sẽ giúp các công ty Chile có nhiều cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Mexico: Đối tác lớn thứ hai của Việt Nam tại Mỹ Latinh

Trong khi đó, Mexico đang giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong khu vực Mỹ Latinh sau Brazil. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã đạt ngưỡng 1,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2015, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu từ Phòng Thương mại Việt Nam tại Mexico, ước tính kim ngạch thương mại hai bên sẽ đạt 1,98 tỷ USD cho cả năm 2015, tăng 52,3% so với năm 2014.

Chau My Latinh: Van hoi moi cho doanh nghiep Viet
Thủ đô Mexico City của Mexico - Ảnh: itesm.mx

Hiện các mặt hàng xuất khẩu chính từ Mexico sang Việt Nam bao gồm máy tính, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị, sắt thép phế liệu, thức ăn cho gia súc. Các ngành này rất có thể sẽ được hưởng lợi từ nền kinh tế và công nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam. Ngoài ra, lượng nhân công dồi dào giá rẻ của Việt Nam cũng sẽ là yếu tố thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Mexico muốn tiến sang thị trường Đông Nam Á.

Các công ty Mexico gia nhập vào thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của các cơ quan xúc tiến thương mại như ProMexico. Trong tháng 11-2015 vừa qua, cơ quan này đã tổ chức cho một phái đoàn doanh nghiệp Mexico đã đến thăm Việt Nam để nghiên cứu cơ hội đầu tư kinh doanh và hợp tác. Sang tháng 2 tới đây, sẽ có thêm một phái đoàn thứ hai tiếp tục đến thăm Việt Nam.

Peru: Đối tác mới nhiều tiềm năng

Trong tháng 8-2015 vừa qua, Peru và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác về các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ. Thỏa thuận này cũng thiết lập một số khuôn khổ mới trong các lĩnh vực đầu tư khác, cụ thể là nông nghiệp. Từ đó, Peru đang hướng tới việc ký kết thêm các thỏa thuận mới để đẩy mạnh việc xuất khẩu cam quýt, việt quất và quả bơ sang Việt Nam.

Chau My Latinh: Van hoi moi cho doanh nghiep Viet
Thủ đô Lima của Peru - Ảnh: youtube.com

Mặc dù quan hệ thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Peru chưa được phát triển mạnh mẽ như với các nước Mỹ Latinh, nhưng đang có nhiều bước cải thiện nhanh chóng giữa đôi bên. Trong đó, nổi bật nhất là sự kiện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam đã được mở cửa vào tháng 5-2015, sau hơn 21 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Việt Nam cũng dự kiến ​​sẽ mở đại sứ quán tại thủ đô Lima của Peru trong thời gian tới. Ngoài ra, tập đoàn viễn thông Viettel cũng đã đầu tư vào Peru thông qua thương hiệu Bitel, với chiến lược là chiếm lĩnh thị trường mạng 3G của nước này.

Hoạt động xuất khẩu thủy hải sản và khoáng sản của Peru cũng được đánh giá sẽ hưởng lợi đáng kể từ TPP. Sau khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ loại bỏ 66% thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá cơm và dầu cá, vốn là các sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Peru. Thêm vào đó, Peru cũng là một quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khai thác đồng, và Việt Nam có thể sẽ là một cơ hội mới đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp khoáng sản của nước này.

Ý Nhi

Nguồn Latino Post / Vietnam Briefing